Nghiện game online gây rối loạn trầm cảm nghiêm trọng ở giới trẻ

Thứ Sáu, 09/11/2018, 07:38 [GMT+7]

Nghiện game online kéo dài ở thanh thiếu niên dẫn đến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, rối loạn trầm cảm, nguy cơ có hành vi tự sát, cuồng bạo.
 
Thông tin tại hội thảo Nghiên cứu điều trị về nghiện game và trầm cảm ở thanh thiếu niên vừa diễn ra tại Hà Nội cho biết, cùng với internet, game online du nhập vào Việt Nam khoảng gần chục năm nay.

Nếu năm 2008, Việt Nam chỉ có khoảng 1,5 triệu người chơi game online thì đến năm 2011, con số này là 11 triệu người.

Theo báo cáo điều tra quốc gia về Vị Thành Niên và Thanh Niên Việt Nam lần thứ 2  (SAVY 2), có đến 38% trẻ vị thành niên sử dụng thời gian rảnh  rỗi vào việc chơi game.

Trầm cảm và nghiện game online đều làm thúc đẩy tỷ lệ lạm dụng rượu và ma tuý, không chỉ gây ra những thiệt hại cho cá nhân, rối loạn trầm cảm còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của gia đình và xã hội.

1
38% trẻ vị thành niên sử dụng  thời gian  rảnh  rỗi vào việc chơi game. (Ảnh: KT)


Các chuyên gia cho rằng, nghiện game online hay internet gây nhiều tác hại. Cụ thể, người sử dụng internet 5 - 6 giờ/ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội.

Ths.Bs Lê Thanh Hà (Học viện Quân y 103) cho biết, một tỷ lệ lớn trẻ nghiện game online kéo dài sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này cũng như giải thích các động cơ của nhiều tội phạm nghiêm trọng, một số khác có thể chết vì kiệt sức do chơi liên tục trong nhiều giờ.

“Thực tế cho thấy nhiều người chơi đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những người nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật”- BS Hà cho biết.
 
Theo nghiên cứu, trầm cảm dẫn đến tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với nhóm tuổi 15-29 (chỉ sau tai nạn giao thông). Viện Sức khỏe tâm Thần cho rằng, 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.

Hiện, thế giới chưa có mã bệnh về nghiện game hay nghiện sử dụng internet vì còn có vấn đề trong phân định ranh giới giữa sử dụng internet với mục đích cho công việc hay chỉ là vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, theo Hội tâm thần học Mỹ (DSM-5, 2013), đây là bệnh lý cần tiếp tục nghiên cứu.

Nghiện game (hay rối loạn về game) vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào một bệnh tâm lý, cần được chữa trị chứ không chỉ là một vấn xã hội thông thường.

Được biết, tại Việt Nam, trước mắt, cơ sở triển khai điều trị nội trú cho trẻ nghiện game online sẽ được thực hiện tại khoa tâm thần tuyến cuối của bộ Quốc phòng, Quân Y viện 103. Sau đó tùy nhu cầu và số lượng bệnh nhân, sẽ đề xuất mở rộng hợp tác điều trị với Viện sức khỏe tâm thần Trung ương, Khoa Tâm thần của một số các bệnh viện uy tín.

Việc điều trị tuân thủ theo quy định của Bộ y tế và ngành tâm thần học. Điều trị nội trú tại bệnh viện bằng thuốc, giai đoạn sau là bảo tồn bằng chuỗi các hoạt động tâm lý liệu pháp được cá thể hóa dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tâm lý liệu pháp của Học viện quân y, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Phòng Tâm lý liệu pháp – Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y tế công cộng./.

 

 

Theo Thy Hạt/VOV

.