Nậm Pồ nỗ lực giảm nghèo
Điện Biên TV - Huyện Nậm Pồ, sau hơn 5 năm thành lập, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế - xã hội của huyện đạt được nhiều thành tựu nổi bật, diện mạo nông thôn miền núi, đời sống của đồng bào dân tộc có nhiều đổi thay. Đặc biệt, công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện có bước đột phá, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4 - 5%/năm, từ trên 72% năm 2015 xuống còn khoảng 63% năm 2017. Và đến hết năm 2018 này, mục tiêu của huyện đặt ra giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 59%.
Một buổi giao dịch tại xã Phìn Hồ của Phòng giao dịch Ngân hành chính sách xã hội huyện Nậm Pồ. Người dân đến giao dịch vay, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm trực tiếp với cán bộ ngân hàng với sự chứng kiến của các cán bộ tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.
Theo ghi nhận, trong số khách hàng đến giao dịch có nhiều người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đến tìm hiểu và vay vốn từ các chương trình tín dụng để phát triển kinh tế gia đình. Ông Thào A Sáng, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bản Đệ Tinh 1 đến để trả lãi một số khoản vay và làm thủ tục vay cho một số hộ khác trong bản.
Theo như ông cho biết: Trong bản có 71 hộ thì hiện có tới 60 hộ đang vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 2 tỷ 500 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, đã giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện mua trâu, bò giống, đầu tư phát triển mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nậm Pồ tư vấn các chương trình vay vốn cho khách hàng. ảnh KT |
Không riêng gì bản Đệ Tinh 1, nhiều gia đình trên địa bàn các bản khác của xã Phìn Hồ nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí trở thành hộ khá, giàu. Đơn cử như gia đình ông Hồ Chử Vảng, bản Đệ Tinh 2 trước đây gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.
Sau khi được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi đàn gia súc. Cùng với việc tăng đàn, ông cũng chú ý đến việc đảm bảo nguồn thức ăn, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông. Nhờ đó, đến nay, đàn gia súc của gia đình ông luôn duy trì khoảng 70 con. Mỗi năm, bán trâu bò gia đình ông thu nhập cả trăm triệu đồng.
Phìn Hồ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ. Xã có 8 bản với trên 670 hộ, gần 1800 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc Thái, Mông, Hoa, Kinh. Là xã miền núi, biên giới tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 64% nên trong những năm qua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm được Phìn Hồ triển khai thực hiện. Trong đó, xã chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích đồng bào tập trung mở rộng diện tích canh tác dưới ruộng, giảm dần diện tích canh tác nương rẫy.
Tổng diện tích canh tác cây lương thực có hạt của xã đạt khoảng 770 ha, tổng sản lượng lương thực đạt trên 1600 tấn, lương thực bình quân đầu người 460 kg/người/năm. Sản xuất cây lương thực cơ bản đã đảm bảo được đời sống của người dân. Tuy nhiên, với quỹ đất phát triển nông nghiệp hạn hẹp, diện tích nương rẫy có giảm nhưng vẫn chiếm phần lớn nên việc tăng thu nhập cho người dân đối mặt với nhiều khó khăn.
Xuất phát từ thực tế đó, xã Phìn Hồ đã tích cực vận động, khuyến khích người dân tận dụng thế mạnh đồng cỏ, bãi chăn thả để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đàn đại gia súc. Cùng với các giải pháp tăng đàn, chủ động phòng chống dịch bệnh, xã còn quan tâm thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ được triển khai trên địa bàn. Trong năm 2018, đã thực hiện hỗ trợ trên 130 con trâu, bò cho Nhân dân các thôn bản theo Đề án 29 xã biên giới, chương trình 135, chương trình 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã đạt trên 5300 con, trong đó đàn trâu, bò đạt trên 2.500 con. Xác định rõ thế mạnh này, xã tiếp tục vận động hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập, đẩy nhanh việc giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường được bê tông hóa đến các bản vùng cao, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giao thương. ảnh KT |
Trong năm 2017, qua đánh giá, cơ bản các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã đạt chỉ tiêu của huyện đề ra đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5%/năm. Nổi bật có những xã tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh như Chà Nưa giảm gần 20% ( từ 34% xuống còn 16%), xã Chà Cang giảm 12%, Pa Tần giảm gần 10%.
Kết quả giảm nghèo đạt được thật ấn tượng, đó là do cấp ủy, chính quyền các xã kể trên đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; Thực hiện lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn, xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế. Năm 2018, huyện Nậm Pồ tiếp tục được được phân bổ gần 144 tỷ đồng thuộc các chương trình 30a, 135, nông thôn mới, trái phiếu Chính phủ.
Từ nguồn vốn này, huyện tập trung đầu tư gần 50 công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo: Triển khai cấp trên 400 con bò giống các loại, 700 con trâu sinh sản và 4000 con gà Ai Cập cho trên 2000 hộ trong toàn huyện; Hỗ trợ cây con giống, xây dựng mô hình giảm nghèo.v.v.
Bên cạnh các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo của Đảng, Nhà nước.Với địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn như Nậm Pồ, nguồn vốn là điều kiện quan trọng, thiết yếu để các hộ nghèo khởi nghiệp, vươn lên. Xác định rõ điều này, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng.
Đảm bảo người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiếm tra giám sát thực hiện chính sách tín dụng đảm bảo người vay vốn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Hiện phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã triển khai 10 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt trên 255 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, vay vốn hộ sản xuất vùng khó khăn, giải quyết việc làm.v.v. Từ nguồn vốn vay, hàng nghìn hộ gia đình đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo thành công; Hàng nghìn hộ khác xây dựng được nhà ở theo Quyết định 167 và Quyết định 33, xây dựng công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; Nhiều hộ chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm mới và kết quả quan trọng nhất là đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân không còn trông chờ ỷ lại hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã tự lực vươn lên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo bền vững của huyện Nậm Pồ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng còn chậm và vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Nguồn vốn đầu tư đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của huyện miền núi, biên giới. Giao thông đi lại khó khăn nên sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra khó tiêu thụ, bị ép giá trong khi đó tập quán sản xuất của đồng bào còn lạc hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm dẫn đến năng suất, chất lượng thấp. Một bộ phận người dân vẫn trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá những khó khăn, thách thức, trong thời gian tới huyện Nậm Pồ xác định cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tập trung giảm nghèo bền vững: Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về công tác xóa đói, giảm nghèo. Tiếp tục huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế. Điều tra, nắm chắc thực trạng hộ nghèo ở từng xã, từng địa bàn để có phương hướng, giải pháp giảm nghèo phù hợp với lợi thế của từng xã và quy hoạch chung của huyện.
Tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, đó sẽ là những trở lực trên con đường xây dựng và phát triển của huyện Nậm Pồ trong thời gian tới. Nhưng tin rằng, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phần đấu của Đảng bộ, chính quyền và Ndân các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ vượt qua gian khó, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 2 nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, đưa huyện phát triển vươn lên sánh ngang cùng các huyện khác trên địa bàn tỉnh.
Chu Linh/DIENBIENTV.VN