Điện Biên

Phức tạp tệ nạn mua bán người trên địa bàn

Thứ Bảy, 10/11/2018, 15:24 [GMT+7]

Điện Biên TV – Theo Báo cáo công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, trong 1 năm (Từ 11/2017 đến 10/2018) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 26 nạn nhân bị mua bán được giải cứu về hòa nhập với cộng đồng

Năm 2018, tình hình hoạt dộng của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội pham mua bán người, song do tâm lý nhẹ dạ, cả tin, một phần do tác động của phong tục tập quán, nên số nạn nhân bị mua bán vẫn còn nhiều, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số.

1
Ngày 24/10, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo: Lý A Chờ và Vừ A Sanh cùng cư trú bản Co Lót 1, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé; Sùng A Chang cư trú bản Huổi Lếch, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi"


Phưong thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ. Các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn để lừa gạt các nạn nhân dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc tìm cách tiếp cận, làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó lừa nạn nhân đi khỏi địa bàn rồi đưa nạn nhân qua biên giới bán cho các đối tượng người Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm...

Theo số liệu thống kê, từ tháng 11/2017 đến tháng 10/2018 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 26 nạn nhân bị mua bán được giải cứu về hòa nhập với cộng đồng, trong đó giải cứu qua các vụ án là 05 nạn nhân, còn lại 21 nạn nhân bị mua bán được các cơ quan chức năng giải cứu trao trả qua cửa khẩu quốc tế

Trong 3 năm ( 2016 đến 2018), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã điều tra, khởi tố 33 vụ, 69 đối tượng về hành vi mua bán người, làm rõ 60 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài. Số vụ mua bán người được phát hiện và điều tra làm rõ trong năm 2016 (14 vụ) và năm 2017 (15 vụ) đều cao hơn khoảng 1,5 lần so với trung bình hàng năm của giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh đó, tình hình di cư tự do, xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp là một trong những nguyên nhân, điều kiện thuận lợi để tội phạm mua bán người nảy sinh.  

Các nạn nhân bị mua bán trở về với nhiều hình thức khác nhau như: được giải cứu trong các vụ án mua bán người, được giải cứu khi trên đường bị đưa đi bán, hoặc những nạn nhân bị mua bán tự trở về, các cơ quan chức năng đã phối hợp đưa nạn nhân trở về địa phương và đoàn tụ với gia đình theo nguyện vọng của nạn nhân.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận, hỗ trợ cho các nạn nhân, ổn định sức khỏe, tư vấn tâm lý khi trở về với cuộc sống cộng đồng. Đặc biệt là việc hỗ trợ khó khăn ban đầu cho các nạn nhân, tiền ăn nghỉ dọc đường, nhu cầu thiết yếu ….với kinh phí trên 400 triệu đồng, hỗ trợ bò giống và điều kiện chăn nuôi trị giá gần 200 triệu đồng cho các nạn nhân khi trở về với cuộc sống cộng đồng

Tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người cho phụ nữ tại xã Mường Báng huyện Tủa Chùa. ảnh KT

 

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho hơn 300 đại biểu là cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các xã, phường, thị trấn, thôn bản; trong đó đã lồng ghép tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người; tuyên truyên số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống mua bán người 18001567.

Phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tổ chức mở các lớp tập huấn về phòng, chống mua bán người cho 67 học viên là truyền thông viên nòng cốt thuộc các thôn bản của huyện Tủa Chùa và huyện Tuần Giáo. Sau khi được tập huấn các truyền thông viên đã thực hiện 54 buổi truyền thông cho hơn 5.000 lượt người tham dự

Trước tình hình tội phạm mua bán người được dự báo tiềm ẩn nhiều phức tạp và có chiều hướng gia tăng, các cơ quan chức năng có liên quan cần phải thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán người xảy ra trên địa bàn. Chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho những đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân và thực hiện tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng…

 

 

Hương Trà/DIENBIENTV.VN

.