Tôn vinh những người công giáo "kính chúa-yêu nước"
“Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” – đường hướng đó của người công giáo luôn được tiếp nối và lan tỏa.
Hôm nay (12/10), thủ đô Hà Nội sẽ là nơi hội tụ của 400 linh mục, tu sĩ và giáo dân trong một sự kiện được tổ chức 5 năm một lần: Đại hội đại biểu Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII.
Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội là tôn vinh những người công giáo tiêu biểu với những việc làm cụ thể, thiết thực, đang từng ngày, từng giờ đóng góp dựng xây quê hương, đất nước.
Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang không chỉ mở quán cơm 2.000đ cho người nghèo mà còn tích cực làm từ thiện. Ảnh: UB đoàn kết công giáo Việt Nam |
Đó là những nữ tu ở Bình Dương với trái tim nhân hậu, không chỉ tự nguyện phục vụ những mảnh đời bất hạnh tại bệnh viện Phong Bến Sắn mà còn giúp vốn để các bệnh nhân có việc làm, giúp họ vui sống, hòa nhập với cộng đồng, giúp con em bệnh nhân trong học tập và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí... Là mái ấm tình thương của các nữ tu thuộc Tỉnh Dòng thánh Phaolô Đà Nẵng- một cơ sở xã hội thường xuyên chăm sóc khoảng 30 người già yếu, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa; Là Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật-mồ côi Nhân Ái ở thành phố Cà Mau trong suốt 10 năm qua đã nâng đỡ hơn 420 mảnh đời côi cút ...
5 năm qua, cùng với các tầng lớp nhân dân, người công giáo cũng hòa chung dòng chảy phát triển của xã hội. Không chỉ đóng góp vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo, người công giáo ở nhiều địa phương còn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng xứ đạo bình yên, xứ đạo tiên tiến, khuyến học, khuyến tài...
Trong những phong trào thi đua của người công giáo, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như linh mục Nguyễn Ngọc Phi ở Đà Nẵng. Ngoài công việc của một linh mục, ông còn là nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, dịch giả Công giáo và kỷ lục gia của Việt Nam, sáng tác hơn 300 truyện ngụ ngôn, hơn 500 bài hát, chủ yếu là nhạc về đạo. Năm 2017, linh mục vinh dự được trao bằng khen và cúp “Trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh”. Hay như, giáo dân Trần Văn Kiều ở giáo phận Bùi Chu-Nam Định. Với việc mạnh dạn đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải, anh đã trở thành một trong những tài năng trẻ được Chủ tịch nước gặp mặt và biểu dương với danh hiệu “Doanh nhân thời đại Hồ Chí Minh”….
Còn nhiều và nhiều tấm gương khác của người công giáo đang âm thầm tỏa hương, lặng lẽ đóng góp cho đời với tinh thần “kính chúa-yêu nước”. 7 triệu người công giáo, hiện diện trên khắp mọi miền đất nước, tham gia vào hầu khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội. Họ là một phần của dân tộc, hòa vào dòng chảy của dân tộc, mong muốn đất nước phát triển, đời sống nhân dân được ấm no bởi lẽ “nước có vinh thì đạo mới sáng”.
Nhiều nhà thờ được tu sửa và xây mới, khang trang, đẹp đẽ, trở thành điểm đến du lịch ở không ít địa phương… Tại nhiều tỉnh, thành, các linh mục không chỉ chăm lo phần hồn cho các giáo dân mà còn tích cực tham gia các Ban đoàn kết công giáo, trở thành cầu nối giữa Giáo hội và chính quyền. Nhiều khúc mắc, khó khăn của người công giáo được giải quyết kịp thời ở cơ sở… Đâu đó, những linh mục, giáo dân vẫn còn mang nặng định kiến, chưa thật sự hợp tác với chính quyền, thì đó cũng chỉ là con số rất nhỏ.
“Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” – đường hướng đó của người công giáo luôn được tiếp nối và lan tỏa. Là tôn giáo lớn thứ 2 ở Việt Nam sau Phật giáo, dù quá khứ hay hiện tại thì Nhà nước vẫn luôn tôn trọng và tạo điều kiện để đạo công giáo được phát triển. Điều đó thể hiện qua việc gia tăng tín đồ cũng như các trường đào tạo, các cơ sở từ thiện, nhân đạo của người công giáo. Cùng vì mục tiêu chung, cùng nhìn về một hướng, dù lương hay giáo cũng không bao giờ có khoảng cách./.
Theo VOV