Sáp nhập báo Bình Phước và Đài PT-TH tỉnh vào đầu năm 2019

Thứ Ba, 09/10/2018, 07:39 [GMT+7]

Vào đầu năm 2019, tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện quy trình sáp nhập Báo Bình Phước và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước.

Ngày 5/10, tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Bình Phước (2013 - 2018) và định hướng đến năm 2020.

Thông tin đáng chú ý nhất được đưa ra tại Hội nghị là vào đầu năm 2019, tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện quy trình hợp nhất Báo Bình Phước và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước. Đài Phát thanh - Truyền hình các huyện, thị xã sẽ được sắp xếp, sáp nhập với các cơ quan khác trực thuộc UBND huyện, thị xã.
 

1
Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển báo chí tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2018. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn


Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, việc hợp nhất, sáp nhập các cơ quan báo chí nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu thế truyền thông đa phương tiện, giảm đầu mối, chỉ tiêu biên chế; rà soát xây dựng các giải pháp sắp xếp vị trí việc làm gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, công tác quy hoạch phát triển báo chí trong những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hợp tác, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông. Báo chí trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, định hướng dự luận xã hội; là cầu nối giữa Đảng, nhà nước và nhân dân.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước có đầy đủ 4 loại hình báo chí gồm: Báo in, Báo hình, Báo nói, Báo điện tử và 14 bản tin của các sở ngành; 11 đài truyền thanh cấp huyện thị xã; 111 đài truyền thanh xã phường, thị trấn; 7 đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền.

Các cơ quan báo chí đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể theo quy hoạch; luôn coi trọng chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động; phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng bước chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên được đào tạo cơ bản, có nhận thức, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, yêu nghề, tận tâm với công việc chuyên môn.
 

1
Trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước.


Tuy nhiên, công tác quy hoạch phát triển báo chí còn gặp nhiều khó khăn như: Nhân sự các cơ quan báo chí còn thiếu so với nhu cầu. Điện sóng phát thanh FM bị thu hẹp; thiết bị kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình thiếu đồng đồng bộ. Cán bộ phụ trách truyền thanh cơ sở còn hạn chế về chuyên môn. Công tác phát triển hạ tầng tại vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; khả năng tự chủ hoạt động tài chính của các cơ quan báo chí còn thấp…

Tại hội nghị, một số đại biểu đại diện cho các cơ quan báo chí của tỉnh cho rằng, quy hoạch báo chí cần được duy trì, nhưng phải phù hợp với từng giai đoạn, từng hoàn cảnh. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cần có giải pháp hỗ trợ sự duy trì của các cơ quan báo chí, dù lớn hay nhỏ để đảm bảo nguồn hoạt động phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị của tỉnh; để bộ máy báo chí đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ là cầu nối giữa lãnh đạo tỉnh với nhân dân…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện quy hoạch; tập trung tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị, các vấn đề quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh; chủ động thực hiện các nội dung liên quan đến đề án hợp nhất Báo Bình Phước và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước; cải tạo, nâng cấp, đầu tư thiết bị sản xuất chương trình; tăng cường chất lượng nội dung các chương trình phát thanh - truyền hình và các chuyên trang chuyên mục; tập trung nâng cao nguồn nhân lực phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Các sở, ngành, địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động theo quy định của pháp luật./.

 

 

Theo VOV

.