Nhức nhối nạn vượt biên buôn lậu gia súc tại Lào Cai
Nhiều thương lái Trung Quốc không chỉ chi phối tất cả mọi hoạt động mua bán gia súc mà còn có nhiều hình thức tinh vi chi phối người dân vùng biên tiếp tay cho buôn lậu.
Hình thành từ hàng chục năm nay, chợ Cán Cấu, huyện Simacai, Lào Cai không chỉ là nơi buôn bán gia súc lớn nhất Tây Bắc mà còn là địa điểm giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại chợ phiên Cán Cấu xuất hiện rất nhiều thương lái Trung Quốc. Không chỉ chi phối tất cả mọi hoạt động mua bán gia súc tại khu chợ này mà những tiểu thương Trung Quốc còn có rất nhiều hình thức tinh vi nhằm chi phối người dân vùng biên tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.
Ngã 3 sông Chảy, biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và 2 tỉnh Hà Giang - Lào Cai của Việt Nam. Đều đặn vào 7 giờ sáng, những lái buôn Trung Quốc lại lội sông băng qua biên giới để đến khu chợ gia súc Cán Cấu, Lào Cai.
Chợ gia súc Cán Cấu, Simacai, Lào Cai. |
Không khó để nhận ra họ với những bình xịt sơn trên tay và túi vải đeo trước bụng. Trong túi là hàng chục vạn Nhân dân tệ chuẩn bị sẵn để mua trâu.
12h trưa, phiên chợ trâu kết thúc, những con trâu được lái buôn Trung Quốc sơn lên thân để tránh nhầm lẫn, sau đó dùng xe tải chở đến sát biên giới.
Điểm tập kết là một ví trí thường được gọi là ngã 3 gốc sung, nơi những người dân làm nhiệm vụ dắt trâu qua biên giới đã chờ sẵn.
Trâu được lùa từ bờ sông thuộc địa phận Lào Cai, trôi theo dòng sông Chảy sang Hà Giang, rồi vượt biên sang Trung Quốc. Giữa dòng nước chảy xiết, những đứa trẻ vùng biên mới chỉ hơn 10 tuổi được thuê dắt ít nhất 2 con trâu bơi qua sông mà không có bất cứ một trang bị bảo hộ nào. Trên thuyền, các lái buôn Trung Quốc ngồi theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của việc vận chuyển. Dù biết nguy hiểm, nhưng người dân thôn Lù Dì Sán vẫn coi đây là một công việc hái ra tiền
2 đến 3 triệu đồng/ngày là số tiền cao hơn gấp nhiều lần thu nhập bình quân của các cán bộ công nhân viên chức. Bởi vậy, việc dắt trâu vượt biên vẫn diễn ra suốt ngày đêm.
Sáng hôm sau, thương lái lại thuê người dân đưa ngựa vượt sông từ Trung Quốc sang Việt Nam bán. Tất cả những người được thuê dắt đều là người dân Việt Nam thông thạo địa hình, số đông trong đó là trẻ em dưới 15 tuổi. Đây là cách để gây khó khăn cho các cơ quan chức năng của cả hai bên biên giới khi xử lý tình trạng vi phạm
Cảnh mua trâu, bán ngựa không phép đã diễn ra suốt vài năm nay, thiệt hại về kinh tế, nguy cơ dịch bệnh khó có thể đo đếm nhưng dễ dàng quan sát thấy số tiền người dân kiếm được bằng nghề dắt gia súc thuê hầu hết được nướng vào các trò đỏ đen.
Trước tình trạng các đối tượng người nước ngoài ngang nhiên vượt biên buôn lậu gia súc, Đồn biên phòng Simacai, Lào Cai đã có những động thái nhằm xử lý tình trạng này.
Kiểm tra đột xuất một nhóm lái buôn người Trung Quốc vượt biên sang Việt Nam, cơ quan chức năng phát hiện các đối tượng này di chuyển không đúng với địa điểm được ghi trong giấy thông hành. Trong hành lý mang theo có hơn 40 vạn Nhân dân tệ chưa được khai báo với hải quan cửa khẩu.
Xác định các đối tượng này vượt biên trái phép, đồn biên phòng Simacai đã trục xuất nhóm người này về nước. Tuy nhiên, để có thể đi từ Trung Quốc sang địa phận Lào Cai, những lái buôn này bắt buộc phải đi qua phía trước trạm biên phòng Pà Vẩy Sủ, Hà Giang.
Lý do vì sao việc vượt biên trái phép vẫn diễn ra hàng ngày trong phạm vi quản lý của lực lượng biên phòng Hà Giang? Đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời.
Theo VTV