Người dân đánh giá công chức qua ứng dụng trực tuyến
Nhiều địa phương đang dùng Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tăng tính minh bạch, thuận tiện và coi đây như một kênh để đánh giá công chức.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, đến nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đáng chú ý, hiện có 26 tỉnh thành trên cả nước đang sử dụng Zalo để giải quyết các công việc này.
Là một tỉnh đông dân, tập trung nhiều khu công nghiệp, từ năm 2017, Đồng Nai, đã tích hợp Zalo cùng hệ thống Trung tâm hành chính công của tỉnh nhằm tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng Nai tích hợp Zalo cùng hệ thống Trung tâm hành chính công của tỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính. |
Theo đó, khi đến nộp hồ sơ tại trung tâm hành chính công, người dân sẽ được nhận biên nhận điện tử ngay trên Zalo, hoặc quét mã QR được in trực tiếp trên giấy biên nhận để dễ dàng tra cứu tiến độ xử lý, kết quả hồ sơ ngay tại nhà; Cập nhật tin tức mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, chính sách mới trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, ứng dụng này còn cho phép người dùng được chat trực tuyến với các chuyên viên đang giải quyết thủ tục hồ sơ để giải đáp các thắc mắc 24/7. Đối với những hồ sơ được giải quyết trước hạn, hay có gặp khúc mắc đều được nhanh chóng gửi thông tin về tài khoản Zalo của người làm thủ tục.
Chị Trần Thanh Giang (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vừa hoàn thành việc đăng ký quyền sử dụng đất chia sẻ: “Tôi chỉ cần tới Trung tâm hành chính công để nộp hồ sơ cần thiết sau đó về nhà đợi. Trong quá trình thực hiện, các thắc mắc đều được giải đáp trực tuyến qua phần chat của Zalo, không cần mất công gọi điện qua các sở ban ngành như trước kia”.
Được nhận hồ sơ về thành lập doanh nghiệp sớm hơn 1 tuần so với dự kiến, anh Phạm Viết Long (TP Biên Hòa, Đồng Nai) hồ hởi cho biết: “Tình trạng hồ sơ được giải quyết đến đâu luôn được hiển thị, do đó, chúng tôi có thể dự tính, sắp xếp những công việc liên quan cho chủ động hơn. Trước đây, đúng hẹn lên lấy hồ sơ, có khi chưa xong lại phải đợi thêm, mất công đi lại nhiều lần tốn thời gian, thậm chí muốn nhanh thì lại phải đi cửa sau, hay có quen biết. Nhưng hiện nay, các hồ sơ được giải quyết nhanh chóng hơn, khi hoàn thành trước hạn lập tức có thông báo về tài khoản Zalo cá nhân”.
Phần lớn người dân đến giải quyết thủ tục hành chính hài lòng với cách làm mới của tỉnh Đồng Nai. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, ứng dụng Zalo được sử dụng khá thường xuyên và có nhiều công cụ tiện lợi, như việc quét mã QR là một ví dụ. Giải pháp này không chỉ giúp người dân tiết kiệm công sức, hạn chế việc đi lại, đồng thời còn giúp hạn chế các tồn tại của phương thức giải quyết thủ tục hành chính thủ công như trước kia. Bên cạnh đó, bộ máy nhà nước cũng được tinh gọn hơn, địa phương giảm bớt nhân lực và chi phí, người dân có thể trực tiếp tham gia giám sát và đánh giá quá trình giải quyết các thủ tục hành chính. Sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, có trên 98% người dùng tỏ ra hài lòng với dịch vụ công trực tuyến này.
“Việc phiền hà, rắc rối, thậm chí là sách nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính là điều có thật tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khi tích hợp CNTT sẽ phần nào hạn chế và khắc phục được những điểm yếu này. Sau mỗi lần thực hiện dịch vụ, đều có phần đánh giá của người dùng về mức độ hài lòng, từ đó, chúng tôi có thể biết được năng lực và thái độ của các công chức ở từng bộ phận. Khi giải quyết công việc trên phần mềm, ở tất cả các khâu đều có lưu lại truy vết, thông qua đó, các cấp quản lý có thể biết được nhân viên có hoàn thành công việc đúng thời hạn hay không. Chúng tôi cũng lấy đây là căn cứ để đánh giá công chức theo từng tháng, từng quý và từng năm. Thậm chí có thể chuyển đổi vị trí công tác nếu thấy không hoàn thành nhiệm vụ, từ đó đảm bảo tính minh bạch và thuận tiện cho người dân”, bà Thảo chỉ rõ.
Tại tỉnh Bình Thuận, người dân cũng có thể tra cứu và nhận kết quả của 2212 thủ tục hành chính ngay trên Zalo, bao gồm các dịch vụ như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký biển số xe…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, xây dựng chính quyền điện tử là một nội dung quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân. Từ tháng 7/2018, tỉnh đã chính thức tích hợp Zalo để giải quyết các thủ tục hành chính công qua tin nhắn, trả kết quả hồ sơ giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn, đồng thời minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
“Chúng tôi đang phấn đấu chuyển dần từ Chính quyền quản lý sang Chính quyền phục vụ nhân dân. Việc ứng dụng các tính năng của Zalo là một trong những giải pháp để tỉnh thực hiện mục tiêu trên”, ông Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh.
Hiện nay, ứng dụng Zalo vào cải cách hành chính đang được triển khai ở trên 30 tỉnh thành cả nước, trong đó có Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Đắk Nông đã chính thức đi vào hoạt động. Chỉ trong thời gian ngắn, mô hình này đã và đang chứng tỏ được hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng 4.0./.
Theo Phương Trang/VOV