Phụ nữ Mường Luân giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo
Điện Biên TV - Những năm qua nhiều chị em hội viên hội phụ nữ trên địa bàn xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, đã không ngừng lao động sản xuất, quyết tâm làm giàu chính đáng. Họ đã trở thành những tấm gương sáng cần cù lao động sáng tạo, giúp đỡ nhau kinh nghiệm, giống, vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần tích cực trong phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Để việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thực sự đi vào cuộc sống và được hội viên, phụ nữ hưởng ứng, Hội liên hiệp phụ nữ xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể theo chủ đề từng năm và triển khai đến tất cả các cơ sở Hội.
Qua đó, 19/19 cơ sở Hội chọn những nội dung phù hợp với cán bộ, hội viên, phụ nữ ở từng địa phương để tổ chức phát động, góp phần tạo ra phong trào thi đua phát triển kinh tế mạnh mẽ với nhiều mô hình hay, phong phú.
Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Lường Thị Cương, bản Tẳng Áng xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông |
Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình chị Lường Thị Cương, bản Tẳng Áng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Từ khi tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ của bản, chị Cương được tham gia các lớp tập huấn do Hội liên hiệp phụ nữ xã kết hợp với Trung tâm khuyến nông, Trạm thú y, Trung tâm dạy nghề của huyện về hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách trị bệnh cho đàn vật nuôi tại các thôn bản.
Thông qua những lớp tập huấn ngắn hạn này, chị Cương nắm bắt đựơc những kiến thức cơ bản, khát vọng làm giàu cũng nảy sinh từ đây. Biến ý tưởng đó thành việc làm cụ thể, chị bàn bạc cùng với gia đình đầu tư một số vốn xây dựng hệ thống chuồng trại và mua 20 con lợn giống để chăn nuôi, sau 5 tháng gia đình chị Cương đã xuất chuồng lứa lợn thương phẩm đầu tiên với sản lượng gần 2 tấn.
Thành công ban đầu từ chăn lợn đã khích lệ gia đình chị mở rộng hệ thống, quy mô chuồng trại phát triển chăn nuôi. Trong chuồng trại cảu giá đình chị lúc nào cũng có trên 70 con lợn lớn nhỏ, Để chủ động nguồn con giống, đảm bảo chất lượng và phù hợp với quy mô chăn nuôi của gia đình, tránh những rủi ro không đáng có do dịch bệnh gây ra, chị Cương đã đầu tư thêm đàn lợn bố mẹ nuôi theo quy trình khép kín, từ nguồn cung cấp giống cho đến xuất bán lợn hơi. Bằng nghề chăn nuôi lợn hàng hóa, mỗi năm, gia đình chị Lường Thị Cương thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng.
Tương tự như gia đình chị Lường Thị Cương bản Tẳng Áng, gia đình chị Lường Thị Biên, bản Trung tâm xã Mường Luân duy trì và phát triển thành công mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm hàng hóa. Lần ngược dòng thời gian, hai vợ chồng chị Biên mới lập ra đình ra ở riêng, rồi lần lượt hai đứa con trứng gà, trứng vịt ra đời, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn.
Với tính cần cù chịu khó siêng năng lao động, không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị Biên bàn bạc cùng nhau vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi lợn, gà và tích cực khai hoang hơn 8000m2 ruộng nước hai vụ. Kể từ khi được Hội liên hiệp phụ nữ xã tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi và được hỗ trợ một con lợn giống.
Những thuận lợi này, như một liều thuốc kích thích gia đình chị Biên mở rộng quy mô chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa. Chị Biên đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh, sạch sẽ, thoáng mát mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đàn lợn nuôi của gia đình lúc nào cũng duy trì trên 60 con.
Do chủ động được nguồn thức ăn, nắm bắt kĩ thuật chăn và phòng trừ dịch bệnh, nên năm nào gia đình chị Biên cũng xuất bán từ 3 đến 4 lứa lợn thu về từ 200 đến 250 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, gia đình chị Biên còn mở rộng thêm quy mô chăn nuôi hàng trăm con ngan, ngỗng, gà vịt để cung cấp thức ăn phục vụ đời sống sinh hoạt cho gia đình và bán ra thực phẩm ra thị trường.
Thành công từ mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa, giúp cho gia đình chị Biên đã có tiền xây cất một ngôi nhà sàn khang trang đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Gia đình chị còn mở thêm một cửa hàng dịch vụ bách hóa tổng hợp với nhiều loại hàng hóa phục vụ nhu cầu học sinh của các trường THPT- THCS bán trú và nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Cũng theo chị Biên thì gần 10 năm nay, gia đình chị thường xuyên giúp đỡ cho chị em trong thôn bản có điều kiện khó khăn về giống vốn, đặc biệt là những hộ gia đình có phụ nữ đơn thân làm chủ hộ. Nhờ sự sự giúp đỡ đó mà đã có hàng chục chị em phụ nữ trong bản Trung tâm, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo.
Những năm qua nhiều chị em hội viên hội phụ nữ trên địa bàn xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, đã không ngừng lao động sản xuất, quyết tâm làm giàu chính đáng. |
Những năm trước đây đời sống của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số của xã Mường Luân còn gặp nhiều khó khăn, phần đông hội viên phụ nữ trong diện đói nghèo, thiếu vốn sản xuất, nhiều chị em là lao động chính trong gia đình nên phải lam lũ để làm ra của cải vật chất, lo liệu cuộc sống hàng ngày. Do đó chị em ít có cơ hội tham gia sinh hoạt, chưa hăng hái tham gia học tập, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, Hội liên hiệp phụ nữ xã đã tập trung củng cố tổ chức Hội, lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình làm đòn bẩy của phong trào và là mũi nhọn trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Điện Biên Đông nhiệm kỳ (2015- 20120), đặc biệt là chương trình hành động thực hiện; Nghị quyết 03 của Huyện ủy về chuyển dịch cơ cấu cây trồng con vật nuôi; Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp. Hội liên hiệp phụ nữ xã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể chỉ đạo 19/19 cơ sở hội thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra.
Đó là: Phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây xây gia đình hạnh phúc” gắn với việc thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Những năm qua, Hội đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mới để tập hợp, thu hút hội viên. Hội tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Hội cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể tích cực vận động chị em tham gia các hoạt động vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Cụ thể là triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ” gắn với phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây xây gia đình hạnh phúc” và phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” do Trung ương Hội đề ra. Qua nhiều năm triển khai phong trào này ngày càng phát triển và thu hút đông đảo chị em tham gia. Hàng năm, Hội tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng và xác định nguyên nhân đói, nghèo để có hình thức phù hợp giúp chị em thoát nghèo.
Qua phân tích đã thấy một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến đói nghèo là do thiếu kiến thức, thiếu vốn sản xuất, kinh nghiệm chăn nuôi. Trước thực trạng này, Hội liên hiệp PN xã hướng dẫn các chi hội thành lập các mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm: Câu lạc bộ “Phụ nữ phát triển kinh tế”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” tổ góp vốn quay vòng; tổ tiết kiệm tín dụng; tổ phụ nữ giúp nhau buôn bán nhỏ; tổ phụ nữ tiết kiệm theo NQ Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ... để huy động nguồn vốn tại chỗ tạo điều kiện cho chi em trong sản xuất, chăn nuôi hoặc có nhu cầu mua sắm vật dụng gia đình, trợ giúp con cái học hành...
Đến nay, các câu lạc bộ, tổ, nhóm điều hoạt động có hiệu quả, với số vốn huy động trong 5 năm qua, hơn 150 triệu đồng, đã xét giải quyết cho hàng trăm lượt phụ nữ vay phát triển sản xuất. Từ phong trào này, chị em thay đổi nhận thức, tư duy cách nghĩ, làm, tạo thói quen tiết kiệm khi chi tiêu, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Hàng năm, Hội LHPN xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, ký kết liên tịch với Ngân hàng CSXH huyện đứng ra tín chấp cho chị em vay vốn xóa đói, giảm nghèo, đến nay số vốn do Hội đang quản lý hơn 30 tỷ đồng, với gần 900 hội viên phụ nữ được vay vốn.
Để quản lý và sử dụng nguồn vốn trên có hiệu quả, Hội liên hiệp Phụ nữ xã thành lập Ban quản lý vốn tại từng thôn bản, phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ năng quản lý và sử dụng vốn vay, cách theo dõi và ghi chép sổ sách, phân công trách nhiệm cho từng thành viên theo dõi, kiểm tra thu hồi vốn, lãi theo từng chi, tổ phụ nữ để đồng vốn phát huy hiệu quả.
Hội phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, hướng dẫn chị em mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Qua hoạt động vay vốn, hiệu quả chuyển biến rõ rệt, đa số chị em đã khẳng định được vai trò làm chủ kinh tế gia đình, nhiều chị em sau khi được tập huấn không còn tự ti mặc cảm, mạnh dạn đứng ra vay vốn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Qua hoạt động vay vốn, hiệu quả chuyển biến rõ rệt, đa số chị em đã khẳng định được vai trò làm chủ kinh tế gia đình, |
Các mô hình kinh tế VACR, trồng rừng được phát triển và nhân rộng, nhiều gia định phụ nữ có thu nhập từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/năm như: Chị Lò Thị Phanh, bản Trung tâm làm giàu bằng mô hình kinh tế tổng hợp.
Gia đình có trên 50 con trâu, bò, kết hợp với kinh doanh dịch vụ bách hóa tổng hợp. Hiện gia đình chị đang trồng những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Bưởi Năm roi, 24 gốc Thanh long ruột đỏ, Vải thiều Bắc Giang và hơn 4000m2 diện tích Cam Cao Phong. Hiện nay diện tích các loại cây trồng thử nghiệm đã và đang ra rất nhiều quả.
Một số loại cây trồng như: Bưởi, Cam, Thanh long đã qua 2 vụ thu hoạch đạt năng xuất cao và chất lượng rất ngon. Dự định trong thời gian tới, gia đình chị Phanh sẽ nhân rộng diện tích cây ăn quả để quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa.
Học tập và làm theo Bác bằng nhiều việc làm thiết thực cụ thể, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mường Luân đã giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Thời gian qua, cùng với việc tập trung củng cố tổ chức Hội, Hội LHPN xã đã đặt ra mục tiêu giúp đỡ chị em hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Đến nay, phong trào ngày càng phát triển và thu hút đông đảo chị em tham gia các câu lạc bộ, tổ, nhóm như: Mô hình “Nuôi lợn nhựa”, “Kho thóc tình thương”, Quỹ “Mái ấm tình thương”, xây dựng các nhóm sở thích liên kết phát triển kinh tế; huy động nguồn vốn tại chỗ tạo điều kiện cho chị em vay phát triển sản xuất, chăn nuôi hoặc mua sắm vật dụng gia đình, giúp con cái học hành.
Đồng thời, Hội thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn, vận động chị em hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT…Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi và những kiến thức từ các lớp tập huấn, nhiều chị em phụ nữ đã nhận được sự giúp đỡ của các hội viên có kinh nghiệm và có điều kiện về tài chính đã mạnh dạn hăng hái phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, Hội có hàng chục mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, thu nhập cao.
Có thể khẳng định rằng, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về học tập và làm theo tấm gương tưu tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong “Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” do Hội liên hiệp phụ nữ các cấp phát động trong những năm qua đã trở thành hoạt động thường xuyên gắn với phong trào thi đua yêu nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội phụ nữ xã Mường Luân.
Từ phong trào này, tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn luôn được phát huy, đã có nhiều chị em khó khăn được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Qua đó, đã góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kì (2015-2020), đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, từ đó chị em gắn bó với tổ chức Hội và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được nâng lên./.
Quang Phong/DIENBIENTV.VN