Điện Biên: Đừng để trẻ nghiện internet

Thứ Tư, 03/10/2018, 16:32 [GMT+7]
Điện Biên TV - Trong thời buổi công nghệ số hiện nay, việc sử dụng mạng internet diễn ra khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, nhiều bậc phụ huynh cho trẻ tiếp cận internet từ bé mà không để ý đến tác hại của mạng internet. Làm thế nào để bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trên không gian mạng không chỉ là nỗi trăn trở của các bậc phụ huynh, mà còn là mối lo của toàn xã hội.
s
Việc cho trẻ tiếp cận mạng internet, game....từ bé sẽ làm cho trẻ chìm trong thế giới “ảo” mà xa rời thực tế, chểnh mảng việc học hành.


Internet làm ảnh hưởng lớn đến tri thức của trẻ nhỏ

 

Ngày nay internet dễ dàng trở thành “chất gây nghiện” đối với trẻ em, khiến các em chìm trong thế giới “ảo” mà xa rời thực tế, chểnh mảng việc học hành, cuộc sống sinh hoạt bị xáo trộn. Về lâu dài sẽ có tác động tiêu cực đến tâm lý, tinh thần, sự phát triển nhân cách của trẻ, như: trầm cảm, tự kỷ, ngại giao tiếp... Trên môi trường mạng tồn tại nhiều thông tin không lành mạnh, thậm chí độc hại, hình ảnh phản cảm, khiêu dâm…

Đáng lo ngại hơn, trẻ em tham gia mạng xã hội có nguy cơ bị đe dọa, xâm hại hoặc bị tiết lộ thông tin cá nhân. Hiện nay, nhiều cha mẹ thường vô tư chụp ảnh, đăng các clip của con lên mạng xã hội kèm theo những lời bình về thời gian đi đón con, con đã có thể tự chơi, thậm chí chụp các ảnh hở hang của con…, điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm như lừa đảo, bắt cóc trẻ em, bạo lực. 

Chung tay bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số

s
Cần tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho trẻ để tránh xa rủi ro trên mạng cho trẻ em (Ảnh: Học kỳ Quân đội do tỉnh Điện Biên tổ chức cho các em học sinh)

 

Nhằm hạn chế những rủi ro trên mạng cho trẻ em, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, các tổ chức hoạt động vì trẻ em có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.

Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Điều 29, Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019 quy định, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. 

Tại tỉnh Điện Biên, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, UBND tỉnh Điện Biên đã  ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 được diễn ra với mục đích bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia vào các vấn đề về trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới số. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Bên cạnh đó, thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh; kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. 

Mạng xã hội như cơn lốc xoáy cuốn lấy giới trẻ. Ở đó, chúng ta chứng kiến vô số những câu chuyện, tình huống tiêu cực tác động đến các em như nghiện mạng xã hội, gặp các sự cố trên mạng nhưng hậu họa thật. Làm sao để trẻ “làm chủ” bản thân trong thế giới mạng phải không chỉ là bài toán gây nhức đầu mỗi ông bố bà mẹ mà trở thành nỗi lo của xã hội./.

 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.