Điện Biên: Chủ động phòng chống bệnh dại

Thứ Hai, 08/10/2018, 14:09 [GMT+7]
Điện Biên TV - Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm lây từ động vật (chó, mèo) sang người. Tại tỉnh Điện Biên từ 2010 - 2017 đã có 40 trường hợp người tử vong do bệnh dại, hiện thời tiết nắng nóng là thời gian cao điểm của bệnh dại bùng phát phức tạp trên địa bàn.
Tại tỉnh Điện Biên tình trạng thả rông chó méo không rọ mõm diễn ra khá phổ biến
Tại tỉnh Điện Biên tình trạng thả rông chó méo không rọ mõm diễn ra khá phổ biến tại nhiều khu vực đông dân cư.

 

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số ca tử vong do dại tăng cao trong giai đoạn 1990 - 2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Số người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại trung bình khoảng 400.000, phí tổn tiền vắc-xin ước tính hơn 300 tỷ đồng mỗi năm. Các trường hợp tử vong tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ với nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng, chống dịch bệnh và tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên người và động vật còn thấp. Vì vậy, đẩy mạnh truyền thông và truyền thông hiệu quả là biện pháp cực kỳ quan trọng góp phần giảm thiểu những ca tử vong hoàn toàn có thể tránh được.

Để thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về loại trừ bệnh dại, ngày 13/02/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193-QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Tiếp đó, ngày 06/7/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên toàn quốc nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia. Một trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình quốc gia và Chỉ thị số 31/CT-TTg là tăng cường sự điều phối và chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Chính quyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả.

Tại tỉnh Điện Biên, tình trạng các hộ gia đình nuôi chó, mèo thả rông không rọ mõm diễn ra khá phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Tính từ năm 2010 – 2017, tỉnh Điện Biên có 40 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ba tháng đầu năm 2018, hơn 1.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, hai trường hợp tử vong tại huyện Mường Nhé và Mường Ảng do chủ quan không đến tiêm vắc xin. Số mũi tiêm vắc xin dại phải tiêm thống kê đến thời điểm hiện tại là hơn 6.800 mũi, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại ở người và động vật, nguy cơ gia tăng bệnh dại trong mùa nắng nóng, UBND tỉnh đã  có công điện gửi các đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động phòng, chống bệnh dại. Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các phòng, đơn vị chuyên môn và chính quyền các xã khẩn trương thống kê, rà soát tổng đàn chó mèo; tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó nuôi; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết chấp hành việc nuôi giữ trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích nhốt, rọ mõm chó nuôi theo quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó dại tấn công; tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại theo quy định.

Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý chó mắc bệnh dại, nghi dại; cung ứng vắc xin dại cho các địa phương triển khai tiêm phòng; chỉ đạo, đôn đốc tiêm phòng vắc xin dại trên địa bàn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa.

UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị thông tin trong tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu mắc và cách phòng tránh; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm người nuôi chó với cộng đồng, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế các trường hợp chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Người dân khi bị chó mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng.

 
 
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, các chấn thương do vật nuôi (chó, mèo) cắn thường rất nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Do vậy, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo thả rông, không rọ mõm; thường xuyên tiêm vaccine phòng ngừa bệnh dại định kỳ cho chó, mèo mà gia đình mình nuôi. Khi thấy người bị chó, mèo cắn cần sơ cứu, sát trùng, rửa sạch vết thương, cầm máu rồi nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu cũng như uống, tiêm thuốc ngừa bệnh dại.

 


 

 

Tử Long/DIENBIENTV.VN

 

.