Cứu hỏa lạc hậu, đã cháy là không cứu được

Thứ Sáu, 05/10/2018, 15:17 [GMT+7]

Chữa cháy chủ yếu là để chống cháy lan, còn đã cháy là không cứu được, nhiều khi còn không cứu được cả người.
 
Hiện nay, công tác đầu tư trang bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Nhiều phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn lạc hậu, sử dụng lâu năm, thường xuyên hư hỏng, hiệu quả kém (20% số xe chữa cháy đã sử dụng trên 20 năm. Việc trang bị cho công tác chữa cháy, cứu hộ còn quá sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Theo báo cáo của Bộ Công an, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy còn thiếu các trang bị bảo hộ cá nhân, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp chữa cháy… Các thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy chủ yếu đáp ứng ở mức 60 mét (tương đương 30 tầng).
 

1
Cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy vất vả khống chế biển lửa trong một vụ cháy công ty gỗ ở Bình Dương


Trong khi toàn quốc có trên 4.100 cơ sở nhà chung cư, cao tầng. Tập trung chủ yếu ở Hà Nội với 1.626 tòa và TP HCM là 1.522 tòa. Trong đó có 182 tòa nhà siêu cao tầng trên 30 tầng trở lên. Một số các vụ cháy được phát hiện sớm nhưng vẫn kéo dài từ 2 đến 3 giờ. Điều này cho thấy còn nhiều bất cập trong trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết: “Kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn nghiệp vụ của chúng ta chưa tốt. Chúng tôi kiểm tra thì chữa cháy chủ yếu là để chống cháy lan, còn đã cháy là không cứu được. Nếu không cẩn thận nữa còn không cứu được cả người. Cần nhìn nhận thực tế để sau này trong đầu tư không chỉ đầu tư các phương tiện chữa cháy, kể cả đầu tư các phương tiện cứu hộ cứu nạn thế nào để giảm các việc này”.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ các phương tiện hiện đại cho công tác phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để tiếp nhận nguồn lực này.
 
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết: “Qua vụ cháy ở chung cư Carina Plaza, ngay trong hội nghị của Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, một doanh nghiệp trong hiệp hội có nguyện vọng muốn tặng 23 tỷ đồng cho Công an thành phố để mua xe phòng cháy chữa cháy hiện đại, hoặc thiết bị phòng cháy chữa cháy cần thiết. Nhưng đến nay chúng tôi chưa biết cách nào để có thể tặng được số tiền đó. Tới giờ này chưa có một cơ quan nào hướng dẫn. Chúng tôi còn dự định sẽ vận động anh em tặng thêm để trang bị cho cảnh sát PCCC tốt hơn. Rất mong chúng ta có cách nào để xã hội hóa vấn đề này”.

Liên quan đến việc xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xã hội hóa phòng cháy chữa cháy đã có ở nhiều nước và phát huy hiệu quả trong thực tế. Luật Phòng cháy chữa cháy đã nêu rõ khuyến khích xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy.

“Chúng tôi có tìm hiểu ở các nước ngoài, ngay cả các cơ quan bảo hiểm các nước người ta cũng trực tiếp tham gia cứu hộ cứu nạn, cứu chữa người kịp thời. Bởi vì nếu để xảy ra tai họa, hậu quả lớn thì chính bảo hiểm phải bỏ ra để bồi thường theo luật bảo hiểm. Nên vấn đề xã hội hóa trong phòng cháy chữa cháy là một nội dung chúng tôi thấy cần quan tâm”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho lực lượng phòng cháy chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Do vậy, ngành chức năng sớm ban hành văn bản, hướng dẫn hoàn thiện chính sách về xã hội hóa việc đầu tư, tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để kịp thời tiếp nhận các nguồn lực đầu tư cho công tác này./.

 

 

Theo Nguyên Nhung/VOV

.