Cả xã hội biết lãng phí trong sử dụng SGK, sao nhà quản lý không biết?
“Vấn đề lãng phí tại sao cả xã hội biết, phụ huynh biết, học sinh biết, giáo viên cũng biết mà nhà quản lý lại không biết đó là lãng phí lớn?”
Chiều 15/10, tại phiên họp 28, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2019; báo cáo giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016- 2020.
Một lần nữa đề cập vấn đề SGK sử dụng một lần, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, con số 1.000 tỷ đồng xã hội phải chi cho in sách giáo khoa mỗi năm nhưng năm sau khó sử dụng chính là minh chứng cho việc chúng ta thực hiện các chính sách tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt hiệu quả.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bà Nguyễn Thanh Hải cũng so sánh, so với mức chi để xây nhà cho người có công (50 triệu đồng/căn nhà xây mới, 20 triệu đồng/căn nhà cần sửa chữa), số tiền trên nếu tiết kiệm được sẽ giúp làm và sửa được hàng nghìn ngôi nhà cho các đối tượng cần hỗ trợ.
Bà Hải nêu thực tế, khi con số lãng phí mỗi năm này được nêu ra, dù Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đã ban hành công văn nói giáo viên cần hướng dẫn học sinh không viết lên sách giáo khoa, giáo viên và học sinh có trách nhiệm bảo quản sách giáo khoa… nhưng với những mệnh đề, bài tập in sẵn trên sách mà yêu cầu làm thế thì rất khó thực hiện.
Theo bà Hải, vấn đề này đã được cử tri đề cập từ những năm đầu thực hiện chương trình, sử dụng bộ sách mới nhưng 16 năm đã qua, tình trạng sách giáo khoa có in bài tập vẫn không giảm. Có ĐBQH cũng đã nêu vấn đề lãng phí này từ năm 2005-2006 nhưng chưa được quan tâm, giải quyết.
“Vấn đề lãng phí này tại sao cả xã hội biết, phụ huynh biết, học sinh biết, giáo viên cũng đều biết mà nhà quản lý lại không biết đó là lãng phí lớn? Giá như 5 năm trước quyết liệt hơn thì cả nước đã có được thêm bao nhiêu căn nhà chính sách” – Trưởng Ban Dân nguyện đặt vấn đề./.
Theo Hiếu Minh/VOV.