An cư giữ đất giữ rừng
Điện Biên TV - Những năm qua, nhờ thực hiện Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ mà người dân vùng sâu, vùng xa biên giới tỉnh Điện Biên đã có thêm một khoản thu nhập, cải thiện sinh kế; khích lệ người dân giữ rừng và góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Quốc gia.
Bản Tả Ló San gồm những hộ dân người Hà Nhì sinh sống, thuộc xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé. Cách đây hơn 7 năm về trước, người dân bản Tả Ló San do thiếu đất sản xuất nhưng họ không muốn rừng bị phá, bởi người Hà Nhì tín ngưỡng thờ thần rừng.
Mỗi bản người Hà Nhì đều có những khu rừng cấm riêng, được dân bản giữ gìn và thờ cúng thần rừng. Không muốn phá rừng, hàng chục hộ gia đình bản Tả Ló San đã rời bản của mình để tìm đất sản xuất, có thời điểm cả bản chỉ còn 2 đến 3 hộ gia đình ở lại bản. Năm 2011, Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, người bảo vệ rừng sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, nhờ đó mà người Hà Nhì đã trở lại Tả Ló San để cùng nhau giữ đất giữ rừng.
Bản Tả Ló San có 19 hộ là đồng bào Hà Nhì, được giao bảo vệ hơn 2.000 ha rừng |
Bản Tả Ló San có 19 hộ là đồng bào Hà Nhì, năm 2011 dân bản được giao bảo vệ hơn 2.000 ha rừng. Từ đó đến nay, bình quân mỗi hộ gia đình ở Tả Ló San đã được nhận tổng cộng trên 400 triệu đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ môi trường rừng. Từ số tiền này, bà con nơi đây có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Những căn nhà mới khang trang hiện diện trước mắt chúng tôi đã thay thế cho những căn nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ của những năm trước ở Tả Ló San. Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ đã giúp các gia đình nơi đây đổi thay đúng nghĩa với hai từ: Vượt bậc.
Gia đình anh Lỳ Phu Cà, bản Tả Ló San vừa mới hoàn thành căn nhà mới khang trang này trong tháng tư năm 2018. Theo chia sẻ của anh Cà thì: Là một gia đình trẻ, nếu chỉ trồng ngô, trồng lúa mà không có nguồn tiền hỗ trợ từ Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng thì mơ ước có một căn nhà vững trãi và khang trang như thế này là rất khó khăn; không chỉ với gia đình Anh mà với rất nhiều hộ gia đình thanh niên khác trong xã cũng vậy.
Nhà mới vừa hoàn thành, gia đình anh Cà lại nhận được trên 110 triệu đồng tiền hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng của năm 2017, gia đình anh Cà đã đầu tư xây dựng công trình vệ sinh kiên cố và hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời. Điều kiện sinh hoạt của gia đình anh Cà đã đổi thay mau chóng, đó là cuộc sống mà nhiều đời nay người Hà Nhì mong ước. Được Nhà nước giao đất, giao rừng và hưởng lợi từ thành quả bảo vệ rừng thông qua Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng, gia đình anh Cà đã có công việc ổn định để cải thiện đời sống và không còn phụ thuộc vào nương rẫy như trước nữa.
Những năm trước đây, tình trạng di cư tự do, phát nương làm rẫy, là nỗi lo thường trực của các cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé, thì nay nhờ có Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng mà hàng nghìn hộ gia đình ở huyện Mường Nhé đã định cư. Người dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; tích cực khai hoang đất trồng lúa, nhờ đó mà cuộc sống ngày càng ổn định và đổi thay theo hướng tích cực.
Là huyện nằm trên thượng nguồn của lưu vực Sông Đà, huyện Mường Nhé hiện có trên 70.000ha rừng, trong đó có 66.000ha rừng đã được giao cho 77 cộng đồng thôn, bản và 10 hộ gia đình bảo vệ. Từ năm 2011 đến 2015, toàn huyện có hơn 710 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, với nguồn vốn đã được hỗ trợ là gần 50 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ theo Nghị định 99 là 62 triệu đồng/hộ/năm.
Từ năm 2016 đến năm 2017, định mức hỗ trợ từ nguồn Quỹ Chi trả dịch vụ môi trường rừng được tăng lên là: 800.000đ/ha, với mức hỗ trợ này chỉ tính riêng trong năm 2017, huyện Mường Nhé đã tiếp nhận 52 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ được nhận gần 70 triệu đồng/năm.
Trong năm 2017, huyện Mường Nhé đã tiếp nhận 52 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ được nhận gần 70 triệu đồng/năm. |
Đây là nguồn lực rất quan trọng giúp Nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo và bảo vệ phát triển rừng. Nhận thức được tầm quan trọng từ Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng, hàng năm UBND huyện Mường Nhé chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND các xã rà soát toàn bộ diện tích rừng, xây dựng phương án giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý và bảo vệ. Bằng những việc làm thiết thực, công tác chi trả Dịch vụ môi trường rừng ở Mường Nhé được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công bằng, khách quan và thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức của Nhân dân huyện Mường Nhé trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn đã chuyển biến rõ nét. Bà con tích cực tham gia trồng, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô. Các hoạt động xâm phạm, phá hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép, tình trạng cháy rừng giảm rõ rệt, diện tích rừng kiến thiết cơ bản được bảo vệ tốt. Chất lượng rừng cũng như khả năng phòng hộ của rừng được nâng cao; từ đó môi trường sinh thái được bảo vệ, cân bằng, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé. Đồng thời, tạo động lực và điều kiện rất thuận lợi để người dân an cư giữ đất, giữ rừng, xóa đói giảm nghèo và vươn lên dựng xây cuộc sống mới nơi miền biên viễn cực Tây của Tổ quốc./.
Trần Sơn/DIENBIENTV.VN