Tuần Giáo thực hiện tốt Chương trình 135 của Chính Phủ
Điện Biên TV - Những năm qua, Tuần Giáo đã triển khai có hiệu quả Chương trình 135CP của Chính phủ, người dân được hưởng lợi ích thiết thực từ Chương trình này. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm qua từng năm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi.
Chương trình 135 của Chính phủ được triển khai trên địa bàn huyện Tuần Giáo tập trung vào bốn hợp phần chính là: Hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ xã, bản và cộng đồng; hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý.
Việc triển khai có hiệu quả Chương trình 135CP của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Chương trình 135CP của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. |
Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Tuần Giáo đã giao UBND các xã làm chủ đầu tư 35 công trình duy tu, bảo dưỡng; 34 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, 9 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tổng vốn ngân sách Trung ương thực hiện hơn 43 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, trong thực hiện các Dự án hỗ trợ sản xuất các hộ nông dân được tham gia bình xét và tự quyết định lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác, sản xuất của gia đình và địa phương. Đồng thời, đưa các loại máy móc thiết bị và những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư đúng địa bàn, đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả phục vụ người dân. Chương trình 135CP đã giúp cho người dân tại các địa phương cũng như 18 xã trên địa bàn huyện kéo được điện lưới quốc gia về đến gia đình.
Những con đường 135 đã nối gần các thôn, bản xa với trung tâm xã, giúp bà con rút ngắn khoảng cách đi lại, thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, mở mang ngành nghề dịch vụ, buôn bán kinh doanh. Nhiều hộ lựa chọn phát triển theo mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp để thay đổi cuộc sống.
Gia đình bà Vừ Thị Máy, bản Đề Chia A, xã Pú Nhung - một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trinh 135. Bà Máy chia sẻ: Năm 2010 khi mới lập gia đình ra ở riêng, tài sản giá trị nhất là 1 con trâu và 5.000m2 đất được bố mẹ chia cho. 2 vợ chồng lam lũ quanh năm, trồng sắn, trồng ngô rồi chuyển sang trồng mía nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.
Đến năm 2014, khi thấy gia đình người bạn ở huyện Mường Chà trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao, với số tiền được hỗ trợ, gia đình bà đã quyết định đầu tư vào trồng dứa. Vì là người đầu tiên đưa cây dứa về bản, về xã kinh nghiệm chưa có nên nhiều lần phải sang tận Mường Chà học hỏi cách chăm sóc, đồng thời tìm hiểu qua ti vi, sách báo.
Vụ dứa đầu tiên, trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 40 triệu đồng. Thấy công chăm sóc ít mà mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần cây ngô, gia đình bà thuê thêm đất mở rộng diện tích trồng dứa, nâng tổng diện tích lên 3ha. Ngoài trồng dứa, gia đình còn trồng 2.000m2 mía và nuôi thêm 100 con vịt trời, 200 con gà thả vườn. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình trên 150 triệu đồng/năm; chỉ tính riêng đầu năm nay, từ việc bán cây dứa giống cho người dân trong bản, gia đình bà đã thu về 50 triệu đồng.
Chương trình 135 đã giúp cho các hộ nghèo trong huyện được hỗ trợ cây, con giống, vật tư phân bón và tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Ðể giúp người dân thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo, đầu năm 2018, huyện Tuần Giáo đã có nhiều giải pháp cụ thể. Ðơn cử như mô hình tặng bò sinh sản cho hơn 460 hộ dân trên địa bàn 18 xã của huyện, với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng từ Chương trình 135CP.
Tránh trường hợp đã từng xảy ra ở một số nơi là, khi người nghèo được hỗ trợ vật nuôi, nhưng do họ không có kỹ thuật nuôi, chuồng trại không tốt, dẫn đến một thời gian sau vật nuôi chết hoặc còi cọc không lớn được, gây lãng phí, huyện Tuần Giáo đã tổ chức cho các hộ được nhận bò tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi bò sinh sản. Cán bộ chuyên môn huyện trực tiếp xuống họp dân, quy định các đối tượng được nhận bò phải đáp ứng điều kiện là xây dựng chuồng trại đúng quy cách. Ðến thời điểm này, người dân ở 18 xã được trao bò giống đã thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, bảo đảm về nguồn thức ăn và ứng phó với biến đổi thời tiết nên đàn bò phát triển tốt.
Trung tâm thị trấn Tuần Giáo |
Một trong những cách làm hiệu quả của huyện Tuần Giáo là thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn để tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân vươn lên.
Không chỉ được quan tâm hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, huyện còn giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. Ðồng thời thực hiện giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế để người dân học tập.
Thời gian tới huyện Tuần Giáo xác định tiếp tục sử dụng nguồn vốn của Chương trình 135CP của Chính phủ để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi nhằm phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, giao lưu hàng hóa của nhân dân; đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng gắn sản xuất với thị trường; quy hoạch vùng chuyên canh các loại cây trồng. Từ đó góp phần tạo động lực thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương theo hướng bền vững./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN