Tây Bắc: Một tuần sau mưa lũ, tập trung khắc phục thiệt hại

Thứ Tư, 05/09/2018, 07:28 [GMT+7]

Việc khắc phục sau mưa lũ tại các tỉnh Tây Bắc vẫn đang được triển khai tích cực, dù gặp nhiều khó khăn, địa hình đồi núi, giao thông chia cắt.

Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai. Một tuần sau lũ, việc khắc phục thiệt hại vẫn đang được các địa phương triển khai tích cục, dù công tác này gặp không ít khó khăn, do địa hình đồi núi phức tạp, giao thông chia cắt.
 

1
Ngành GTVT Lai Châu đang nỗ lực khắc phục những điểm sạt lơ, thông tuyến giao thông bị hư hỏng do mưa lũ.


Sơn La là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, với 3 người chết và bị thương; trên 1.900 nhà bị ảnh hưởng; 1.100 héc ta lúa, hoa màu, cây ăn quả và ao cá bị cuốn trôi; 10 điểm trường bị hư hại; hệ thống điện trên địa bàn 25 xã của 8/12 huyện, thành phố ở tỉnh bị ảnh hưởng, làm trên 32 nghìn khách hàng bị mất điện. Đặc biệt, hạ tầng giao thông ở Sơn La bị thiệt hại nghiêm trọng, với 341 điểm sạt, gây ách tắc trên nhiều tuyến giao thông.

Nhằm giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, suốt những ngày qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở tỉnh Sơn La đã khẩn trương triển khai công tác khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ” là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
 

1
Nhiều tuyến đường ở Sơn La bị mưa lũ gây hư hỏng.


Một trong những ưu tiên hàng đầu là bố trí nơi ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa; tháo dỡ, di chuyển nhà và tài sản của các hộ gia đình có nguy cơ mất an toàn đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, từng bước khắc phục các thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống của bà con trong thời gian tới.

“Chúng tôi sẽ thống kê, tổng hợp thiệt hại chung về diện tích cây cối, hoa màu bị thiệt hại, sau đó sẽ có kế hoạch để chỉ đạo chung cho các xã sớm ổn định sản xuất, đặc biệt tháng 9, tháng 10 là vụ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp như là sắn, ngô và các cây trồng khác thì chúng tôi sẽ có phương án đảm bảo tốt nhất, đặc biệt là biện pháp bảo quản sau thu hoạch để có sản lượng thu được tối đa, tránh bị thất thoát”, ông Hà Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết.

Tại Lai Châu, ngoài thiệt hại về người, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về giao thông, khi tất cả các tuyến quốc lộ chính đều bị ảnh hưởng, với hàng chục điểm bị sạt lở, tổng khối lượng đất đá lên đến hơn 140.000 mét khối, ước giá trị thiệt hại khoảng hơn 70 tỷ đồng.
 

1
Trong tổng số 123 điểm sạt lở do mưa lũ mấy ngày qua trên Quốc lộ 37, đoạn qua các huyện Bắc Yên-Phù Yên, các lực lượng chức năng ở Sơn La đã nỗ lực khắc phục bước đầu được 100 điểm.


Trong đó, sạt lở nghiêm trọng nhất là các tuyến quốc lộ chính như 4D, 12, 4H; huyện biên giới Mường Tè bị chia cắt tạm thời; các tuyến đường địa phương huyết mạch như: Chiềng Chăn - Sìn Hồ, Tà Ghênh - Nậm Pậy, Nậm Khao - Tà Tổng, Lai Châu - Sìn Hồ…đều bị sạt lở, ách tắc.

Triển khai công tác khắc phục, những ngày qua, ngành Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị quản lý cầu đường phối hợp với chính quyền các địa phương huy động tối đa phương tiện, máy móc, chia làm 3 ca liên tục mỗi ngày. khắc phục.

Nhờ sự nỗ lực ngày đêm của các lực lượng, hôm qua 3/9, Lai Châu đã thông tuyến tạm đối với với hai tuyến quốc lộ 12 và 4D; còn hôm nay tiếp tục tập trung khắc phục tuyến quốc lộ 4H, cùng các tuyến đường địa phương huyết mạch.

Ông Tạ Tấn Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết: Nhiều tuyến quốc lộ cũng như đường địa phương sạt lở rất lớn và một số công trình trên tuyến cũng bị phá hủy.

Đặc biệt là một số tuyến quốc lộ huyết mạch, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt, các lực lượng đã tập trung ứng trực làm ngày làm đêm để đảm bảo thông xe nhanh nhất.

“Trước mắt chúng tôi tổ chức thông xe tạm và sau đó tổ chức thanh thải và hoàn thành các bước hai là sửa chữa các công trình để đảm bảo an toàn cho quá trình khai thác”, ông Vĩnh nói.

Tại các địa phương Yên Bái, Điện Biên và Lào Cai, công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ cũng đã và đang được tiến hành, với tinh thần hết sức khẩn trương. Mục tiêu là sớm ổn định sản xuất và đời sống cho bà con, đảm bảo các gia đình đều đủ điều kiện cho con em đến trường khi ngày khai giảng năm học mới đã đến./.

 

 

Theo VOV

.