Sẵn sàng sơ tán hàng trăm nghìn hộ dân "chạy" siêu bão Mangkhut
Từ Trung ương đến địa phương đều sẵn sàng tinh thần sơ tán dân vùng nguy hiểm khi siêu bão Mangkhut tiến gần bờ.
Tại cuộc họp Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng nay (15/9) ở Hà Nội, các đại biểu cho rằng, ứng phó siêu bão Mangkhut đang hướng vào biển Đông các địa phương cần đặc biệt quan tâm vấn đề sơ tán dân những khu vực nguy hiểm và có phương án đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa khi có tình huống xấu xảy ra.
Ông Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các địa phương sẵn sàng sơ tán dân những khu vực nguy hiểm. |
Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trưa nay (15/9) bão Mangkhut đã vào phía Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 6 trong năm 2018 mà Việt Nam đón nhận.
Ứng phó bão, các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã và đang khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn các khu neo đậu tàu thuyền, chủ động phương án sơ tán dân các khu vực nguy hiểm ở ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét sạt lở đất đến nơi an toàn. Hiện không còn tàu, thuyền nào hoạt động trong vùng nguy hiểm nơi bão đi qua.
Thanh Hóa đã lên kế hoạch sơ tán 100.000 hộ dân khu vực nguy hiểm. Trong đó có hơn 58.400 hộ dân sinh sống tại khu vực mép nước, cửa sông, ven biển; hơn 68.000 hộ dân sinh sống tại khu vực bãi sông; hơn 7.000 hộ sinh sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét đã được xây dựng kế hoạch sơ tán đến nơi an toàn.
Về vấn đề an toàn hồ đập, theo rà soát của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn có 571/610 hồ chứa đầy nước, trong số 124 hồ chứa không bảo đảm an toàn, có 30 hồ chứa đang được tập trung triển khai tu bổ, nâng cấp.
Ông Đỗ Huy Phương, chuyên viên Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, các lực lượng đã sẵn sàng các phương tiện ứng trực tại các nơi xung yếu.
Đặc biệt là khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng vì nơi này diễn ra nhiều hoạt động tàu thuyền du lịch và vận tải. Đồng thời đề nghị các địa phương cùng hiệp đồng để ứng phó sự cố khi xảy ra.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sau khi đổ bộ vào Philippines, siêu bão Mangkhut đang tiếp tục hướng đến đất liền nước ta, mặc dù đã giảm cấp nhưng cường độ vẫn là cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng kèm mưa lớn.
Ngày 17/9, bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta, vì vậy các địa phương không lơ là chủ quan trong ứng phó, không để tàu thuyền ra khơi vào thời điểm bão vào, đặc biệt lưu ý đến việc sơ tán dân các khu vực nguy hiểm, chủ động phương án đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa, sẵn sàng sơ tán dân khi có sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Trường Sơn nói: “Các lực lượng không được chủ quan lơ là, cần xem xét di dân vùng trũng thấp, nguy cơ ngập ở các địa phương. Lưu ý trên các đảo, vì hiện nay trên Vịnh Bắc bộ gió bão giật vẫn cấp 11, cấp 12, các khu vực trên đảo cảnh giác cao và có phương án gia cố các công trình, hạ tầng cơ sở, nhà cửa của dân trên các đảo. Ứng trực các hồ có nguy cơ cao, hồ xung yếu không có cửa van, rà soát cụ thể phương án đảm bảo an toàn hạ du”./.
Hải Phòng lên 2 kịch bản sơ tán dân trước khi bão Mangkhut đổ bộ vào nước ta.
Nếu bão Mangkhut mạnh cấp 10, cấp 11, Hải Phòng sẽ sơ tán tại chỗ gần 10.000 hộ dân với 35.000 người; di dời hơn 17.000 hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, xung yếu đến nơi trú tránh an toàn.
TIN TÀI TRỢ
Mỡ ở bụng và hai bên hông sẽ biến mất chỉ trong 3 ngày!
Nếu bão rất mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15, sẽ sơ tán tại chỗ gần 12.000 hộ dân và di dời hơn 30.000 hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn. Việc sơ tán phải hoàn thành trước khi bão đổ bộ 8 giờ.
Nếu bão mạnh cấp 12 – 13, các địa phương sẽ sơ tán toàn bộ dân cách bờ biển từ 300 mét trở xuống, trừ các nhà kiên cố. Nếu bão mạnh cấp 14 – 15, sẽ sơ tán toàn bộ dân cách bờ biển từ 1 km trở xuống, trừ các hộ dân sống trong các nhà kiên cố và không bị ngập sâu.
Theo Minh Long/VOV