"Nghịch lý" trong giảm nghèo ở Việt Nam
Báo chí tuần qua đã đưa ra những góc nhìn còn tiêu cực, thậm chí châm biếm khi nói tới chủ đề về xóa đói, giảm nghèo.
Thẳng thắn, không ngại và chạm, chỉ rõ hạn chế, yếu kém trong việc triển khai nghị quyết là tinh thần của cuộc họp Uỷ Ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả 2 năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Báo Đại đoàn kết đã dùng hình ảnh miền núi vùng sâu vùng xa để minh hoạ cho bài viết có tựa đề "giảm nghèo chưa bền vững". Nguyên nhân là bởi, số liệu cho thấy dù kết quả giảm nghèo trong 2 năm 2016 - 2017 đạt mục tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm.
Được công nhận là hộ nghèo thì mới có được những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, chính bởi lý do này một nghịch lý trong công tác giảm nghèo đang tồn tại ở Việt Nam. Theo tờ Thanh Niên cho hay có tình trạng nhiều cán bộ đưa người thân vào danh sách hộ nghèo, hoặc được hưởng hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống… để trục lợi. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận ở một số xã ở Nam Định, chủ tịch xã cho con cái đi làm con nuôi để đưa vào danh sách hộ nghèo. Nhưng đã có chủ tịch xã phải đi tù vì chuyện này.
Cũng lo lắng về tình trạng trên, tờ Nông thôn ngày nay đã trích ý kiến của Trưởng ban công tác Đại biểu Trần Văn Tuý về còn tình trạng phấn đấu thành xã nghèo, huyện nghèo, trong khi cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, tập trung chăm lo cho giảm nghèo nhưng số huyện nghèo cơ bản vẫn "giữ như cũ".
Báo chí tuần qua thậm chí còn đưa ra những góc nhìn châm biếm khi nói tới chủ đề về xoá đói, giảm nghèo. Thậm chí tờ Lao Động gọi đây là một căn bệnh - bệnh không muốn thoát nghèo.
Theo VTV