Điện Biên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 33% vào năm 2020
Điện Biên TV - Trong 3 năm (2016-2018) tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 41,01% đầu năm 2018 và phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 33%
Trong 3 năm (2016-2018) tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, cơ sở hạ tầng tiếp tục từng bước được đầu tư cải thiện, nâng cấp, nhiều mô hình chuyến đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ dân và cộng đồng dân cư đã quan tâm đến công tác giảm nghèo, công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đã được triến khai tích cực, đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với nhau và với các chương trình, dự án khác trên địa bàn.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 41,01% đầu năm 2018 và phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 33% |
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 41,01% đầu năm 2018 (giảm 7,13%). Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thời gian qua.
Giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn đầu tư và phát triển hơn 804 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp gần 300 tỷ đồng.
Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tập trung vào các Chương trình 30a và Chương trình 135 tại các huyện được thụ hưởng chương trình. Có thể nói hiệu quả đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả nhất định như tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay đã giảm 7.13% so với năm 2015.
Hiện nay toàn tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 92% số xã có đường giao thông đi lại quanh năm, phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được quanh năm
Hiện nay toàn tỉnh có 130/130 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, có 87% tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện và phấn đấu đến năm 2020 có trên 98% số hộ dân được sử dụng điện. Các chỉ tiêu vệ giáo dục, y tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ . Đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã có 16/116 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có có 35 xã đạt chuấn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được những mặt tích cực nhưng kết quả giảm nghèo trên địa bàn chưa thực sự bền vững. Chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc còn cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng khoảng cách. Tình trạng thiếu đất canh tác nông nghiệp còn tồn tại ở nhiều vùng. Các điều kiện khó khăn hội tụ ở người nghèo nhiều nên khó khắc phục ngay được, người nghèo, hộ nghèo còn lúng túng để tự lựa chọn phương thức thoát nghèo.
Bên cạnh đó nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trong những năm qua bố trí còn thấp, ngân sách tỉnh hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực khác trên địa bàn còn hạn chế, tiến độ phân bổ kinh phí còn chậm.
Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến độ giải ngân một số dự án còn chậm so với kế hoạch đặc biệt là các dự án dự kiến khởi công mới và chuẩn bị đầu tư do chậm tiến độ trong công tác thấm định nguồn vốn đã làm ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các mục tiêu đã xác định trong năm kế hoạch...
Nhờ được hỗ trợ bò sinh sản theo chính sách hỗ trợ sản xuất của Nghị quyết 30a đã giúp nhiều gia đình ở bản Nà Pán, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé có điều kiện vươn lên thoát nghèo. ảnh KT |
Một thực trạng khó khăn cho công tác cho công tác xóa đói giảm nghèo là các hộ nghèo chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thuần nông, địa bàn sinh sống tập trung tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, trình độ dân chí thấp và không đồng đều giữa các vùng miền, phong tục tập quán lạc hậu.
Với đặc thù điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, địa hình chia cắt, hiểm trở, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn yếu kém và chưa đồng bộ, điều kiện thực tế về đời sống, sản xuất kinh doanh tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số kém phát triển, còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn.
Nhiều địa bàn xã thôn bản đặc biệt khó khăn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định như di cư tự do, tuyên truyền đạo trái phát luật và các vấn đề xã hội bức xúc như thất nghiệp, tệ nạn, tội phạm ma túy vẫn thường trực xảy ra trên địa bàn.
Có thể thấy, công tác xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Điện Biên đang nhận được sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương và sự chung tay, đồng lòng của bà con nhân dân. Toàn tỉnh đã tạo nên được những bước chuyển mạnh mẽ trong công tác xóa đói giảm nghèo nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng, hiệu quả các hoạt động được nâng lên; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững.
Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn và phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 33% theo như Nghị quyết Đại đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra./.
Hương Trà/DIENBIENTV.VN