Điện Biên: Cần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Thứ Ba, 18/09/2018, 07:21 [GMT+7]
Điện Biên TV - Những năm gần đây, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, số người nhiễm mới được phát hiện hàng năm vẫn còn. Những người bị nhiễm HIV vẫn còn chịu sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, đây là một trong những nguy cơ khiến cho dịch có thể tái diễn và phát triển nhanh hơn.
 
Nhiều người cho rằng, HIV/AIDS có thể lây qua tiếp xúc, ăn uống, giao tiếp nên càng có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử. Đó chính là nguyên nhân khiến người bệnh lo sợ, che giấu và nguy cơ lây lan càng cao, sự kiểm soát, điều trị sẽ càng khó khăn hơn.
 
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên tính đến 30/5/2018: 92,3% xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.236 ca nhiễm HIV, trong đó: số mắc mới 123 ca (giảm 38 ca so với cùng kỳ); số nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS tích lũy 5.297 ca, trong đó số mới chuyển giai đoạn AIDS 20 ca, tăng 4 ca so với cùng kỳ; tử vong do AIDS 3.611 ca, trong đó mới tử vong 34 ca, tăng 02 ca so với cùng kỳ; Số ca còn sống quản lý được 3.457 ca, đạt 95,4%. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,6%.
 
Từ số liệu cho thấy tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, số người nhiễm mới được phát hiện hàng năm vẫn còn, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng tăng, kéo theo sự gia tăng các trường hợp nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. Những người bị nhiễm HIV vẫn còn chịu sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, đây là một trong những nguy cơ khiến cho dịch có thể tái diễn và phát triển nhanh hơn.
 
Cần tăng cường truyền thông để giảm kỳ thị.
 
Hơn lúc nào hết, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về HIV chính  là việc làm cần thiết góp phần xóa đi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV
Hơn lúc nào hết, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về HIV chính là việc làm cần thiết góp phần xóa đi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

 

Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người hoặc gia đình họ vì biết họ nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Thái độ kỳ thị có thể đến từ các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và cả cán bộ y tế, thậm chí từ phía chính quyền gây ra với người nhiễm HIV/AIDS. Sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, những người có nguy cơ bị nhiễm HIV không dám đi làm xét nghiệm; nhiều người biết mình bị nhiễm HIV, song không dám tiếp cận để điều trị nên đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Nhiều người nhiễm HIV biết vượt lên số phận, sống có ích cho xã hội, cộng đồng được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh đã phần nào giúp mọi người có nhận thức đúng đắn hơn về HIV. Trước đây, HIV được biết đến với hình ảnh lở loét, chết chóc và dễ bị lây nhiễm kể cả qua tiếp xúc thông thường. Chính vì những suy nghĩ trên mà người nhiễm bị kỳ thị và phân biệt đối xử nặng nề. Tuy nhiên, thực tế nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường nếu được điều trị và chăm sóc tốt. Có người đã sống khỏe mạnh sau 15 - 20 năm kể từ khi phát hiện nhiễm HIV.

Chính vì thế việc tăng cường truyền thông để giảm kỳ thị là điều rất cần thiết hiện nay. Việc tăng cường truyền thông sẽ làm thay đổi  hành vi, ứng xử của nhiều người đối với người nhiễm HIV.

Hơn lúc nào hết, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về HIV chính  là việc làm cần thiết góp phần xóa đi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV
20 học viên là các nhà báo, phóng viên báo chí được tập huấn lớp sáng tác chuyên đề "Những đóng góp của các tổ chức trong phòng chống HIV/AIDS"

 
Công tác truyền thông làm giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng đối với những người mang bệnh. Đồng thời, cũng đã có rất nhiều người tham gia vào nhiều tổ chức tình nguyện, tổ chức xã hội để lên tiếng kêu gọi quyên góp, ủng hộ đối với những người nhiễm HIV/AIDS.
 
Nhờ truyền thông, các cơ chế hỗ trợ người nhiễm HIV cũng từng bước đuợc giải quyết như việc người nhiễm HIV được có việc làm, việc học tập, sinh hoạt cũng được quan tâm hơn để họ có thể bình đẳng như những người khác, việc khám chữa bệnh, tạo điều kiện để điều trị được phát huy tốt hơn, nhằm cải thiện rõ rệt được tình hình của bệnh, tránh lây lan trong xã hội.
 
Thái độ và cách đối xử của những người trong xã hội được xem là một trong những phương thức giúp cho người nhiễm HIV/AIDS tin tưởng vào bản thân, gia đình và cộng đồng. Vì vậy, mỗi người cần giảm bớt sự lo lắng về căn bệnh này, tuyên truyền và giải thích cho mọi người biết rằng HIV/AIDS không lây qua con đường tiếp xúc thông thường; tránh phân biệt, kỳ thị với những người nhiễm bệnh bởi những người nhiễm HIV cũng muốn học tập, lao động và được cống hiến như bao người khác./.
 
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.