Dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường và "cuộc chiến" trách nhiệm
Dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường, ở đâu lãnh đạo các địa phương còn thờ ơ, sợ trách nhiệm thì vỉa hè lòng đường còn lộn xộn, mất trật tự.
Hiện nay tại các đô thị lớn của cả nước, trong đó đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường đang diễn ra phổ biến, không chỉ làm cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn mà còn là một trong những nguyên nhân chính gây cản trở, ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Đã có thời điểm, cuộc chiến giành lại vỉa hè lòng đường được các địa phương triển khai quyết liệt, bước đầu tái lập trật tự ở lĩnh vực này.
Người dân cùng chính quyền quận Đống Đa, Hà Nội phá dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè (Ảnh: Dân trí) |
Tuy nhiên, việc làm theo tính phong trào, thậm chí là cảm hứng ở một số địa phương đã không đi đến kết quả cuối cùng. Lòng đường vỉa hè tiếp tục bị lấn chiếm; thậm chí có nơi, bảo kê thu tiền vẫn ngang nhiên hoành hành ở một số tuyến đường, ngõ phố. Rõ ràng, câu chuyện trách nhiệm của các nhà quản lý các cấp chính là mấu chốt để giải bài toán chấm dứt nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường hiện nay ở các đô thị trong cả nước.
Làm theo phong trào khó thành công
Tại TP HCM, xác định rõ để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường thuộc trách nhiệm của UBND các địa phương nên ngay từ đầu năm nay, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu chủ tịch UBND 24 quận, huyện ký cam kết thi đua với Ban An toàn giao thông thành phố trong việc lập lại trật tự ở một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn.
Theo đó, toàn thành phố sẽ có gần 200 tuyến đường và hơn 140 khu vực có điểm, nhóm họp chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cần chấn chỉnh hoặc xóa bỏ.
Tuy nhiên đến thời điểm này, theo Ban An toàn giao thông TP chỉ có hơn phân nửa tuyến đường, khu vực được chấn chỉnh một bước; các tuyến, điểm còn lại tình trạng lấn chiếm vẫn tái diễn. Điều này có thể thấy rất rõ qua việc đến bất cứ quận, huyện nào của TP HCM hiện nay cũng đều thấy vỉa hè lòng đường bị lấn chiếm tràn lan, khó kiểm soát. Nhà hàng, quán nhậu, chỗ đậu xe, người bán hàng rong; mái che, mái vẩy, biển hiệu quảng cáo... ngang nhiên chiếm lĩnh vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường để lưu thông với các loại phương tiện cá nhân khác; rất nguy hiểm.
Đành rằng “nền kinh tế vỉa hè" là có thật nhưng nếu không làm quyết liệt, dứt điểm thì không chỉ khiến cho đô thị còn lâu mới tiến lên văn minh, hiện đại mà không có chỗ cho người đi bộ.
Hệ quả là người dân lười đi bộ, tập trung sử dụng phương tiện cá nhân; giao thông công cộng đã khó phát triển lại càng bị hạn chế. Nạn ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông tiếp tục thêm trầm trọng, gây tổn thất rất lớn cho xã hội và chính người dân.
“Cuộc chiến” trách nhiệm
Có thể thấy rõ, trong phân cấp, để cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thuộc trách nhiệm của chính quyền các địa phương mà ở đây trực tiếp là chủ tịch UBND các phường, xã và chủ tịch các quận, huyện. Nếu lãnh đạo các cấp chính quyền này làm quyết liệt, tận tâm; làm căn cơ, bài bản, khoa học sẽ tạo được sự đồng thuận của nhân dân; đường sẽ thông hè sẽ thoáng.
Ở đâu lãnh đạo các địa phương còn thờ ơ, sợ trách nhiệm thì vỉa hè lòng đường còn lộn xộn, mất trật tự. Đó là chưa kể đây chính là mảnh đất màu mỡ để cho nạn bảo kê, làm ăn mang tính bất chính xuất hiện; người dân có quyền đặt câu hỏi về tính minh bạch của công tác này đối với nhà quản lý các cấp.
Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch quận 1, TP HCM từng ra quân thực hiện chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, được dư luận quan tâm (Ảnh: Vietnamnet) |
Hiện nay, hàng năm, trong kế hoạch lập lại trật tự đô thị ở các thành phố lớn trong cả nước, các cấp chính quyền, các ngành chức năng đều cố gắng thể hiện các phương án chi tiết, đầy đủ với quyết tâm giải quyết tốt nhất các vấn đề đặt ra cho công tác này; trong đó có cả phương án chăm lo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bán hàng rong; các chế tài xử phạt các đối tượng cố tình vi phạm; xử lý các cán bộ có dấu hiệu bao che, tiếp tay. Tuy nhiên, từ kế hoạch đến hành động thực tiễn là một khoảng cách không dễ khắc phục.
Do vậy đã đến lúc, vấn đề quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền các cấp trong giải quyết nạn lấn chiếm vỉa hè lòng đường ở đô thị hiện nay phải được làm thực chất.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố thông qua các ngành chức năng, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể cần theo dõi, giám sát, đánh giá vai trò trách nhiệm của chủ tịch UBND các quận, huyện; phường, xã trong thực thi công tác này.
Trên cơ sở đó có biểu dương, khen thưởng kịp thời các lãnh đạo làm tốt’; có kiểm điểm, phê bình, thậm chí là kỷ luật các cá nhân còn thờ ơ, buông lỏng quản lý. Bản thân lãnh đạo, các nhà quản lý các cấp cũng phải nhận rõ trách nhiệm này để không ngại va chạm; chủ động tiến hành các công việc một cách khoa học, quyết liệt, lan tỏa tinh thần đến cấp dưới; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ đó sẽ chủ động tìm ra các phương án tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu, đồng thuận; tiến tới hành động vì sự phát triển chung xây dựng đô thị thực sự văn minh, hiện đại.
Rõ ràng, với những gì đang diễn ra hiện nay ở các thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM thì chỉ có những nhà lãnh đạo, nhà quản lý dám làm, dám chịu trách nhiệm đến cùng thì mới mong vỉa hè, lòng đường được thông thoáng; bộ mặt phố phường, giao thông đô thị mới bớt lộn xộn, ngổn ngang trăm nỗi. Đây cũng chính là “cuộc chiến trách nhiệm” mà lãnh đạo và nhà quản lý các cấp, các ngành phải thể hiện, giải quyết; không có sự chần chừ và do dự trong “ cuộc chiến” này./.
Theo Bùi Trọng Điển/VOV