Đài Phát thanh Giải phóng - Những năm tháng không quên

Thứ Ba, 04/09/2018, 17:00 [GMT+7]

Đài Phát thanh Giải phóng giữ vững làn sóng, trở thành người bạn tin cậy, nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với LLVT nhân dân miền Nam.
 
Được xây dựng trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn ở chiến khu vào những năm 1960 khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, Đài Phát thanh Giải phóng chính thức lên sóng vào tháng 2/1962 và đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ vào ngày 31/8/1976. Trong suốt thời gian đó, mặc dù bọn địch điên cuồng tìm mọi cách tiêu diệt nhưng với tinh thần quả cảm, sáng tạo, Đài Phát thanh Giải phóng vẫn giữ vững làn sóng, trở thành người bạn gần gũi, tin cậy, nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam.
 

1
Các phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu VOH).


Vượt qua con đường đất đỏ gập ghềnh cặp biên giới với nước bạn Campuchia, xuyên qua Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), chúng tôi về thăm lại bia tưởng niệm Đài Phát thanh Giải phóng vào một ngày cuối tháng 8. Trong không gian tĩnh lặng phủ tràn màu xanh của cây rừng, ai nấy đều bồi hồi xúc động khi được bước đi trên con đường ghi dấu bước chân của các chiến sĩ cách mạng tại khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Chuyến về nguồn tuy ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, cùng những câu chuyện qua lời kể của các chứng nhân lịch sử đã khắc họa sinh động hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đài Phát thanh Giải phóng năm xưa trong mưa bom, bão đạn vẫn kiên trì bám trụ, chắc tay bút, vững tay súng, góp phần đưa tiếng nói chính nghĩa của nhân dân miền Nam vang xa khắp mọi miền Tổ quốc.
 

1
Một số PV, BTV Đài Phát thanh Giải phóng. (Ảnh: tư liệu của VOH)


Năm nay gần 90 tuổi, ông Võ Văn Tòng, nguyên Trưởng phòng phát xạ - Đài Phát thanh Giải phóng vẫn rất minh mẫn, nhớ như in những ngày đầu thành lập Đài. Tháng 7/1960, ông và đồng chí Ba Bông nhận lệnh của Xứ ủy Nam Kỳ yêu cầu xây dựng đài phát thanh, vì lúc này cách mạng miền Nam đang chuyển qua thời kỳ mới, rất cần có tiếng nói chính nghĩa để tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân.

Nghe xong chỉ thị trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, cả hai lặng người vì lo lắng, bởi lúc đó trong tay chỉ có 1 mỏ hàn, 1 đồng hồ đo điện, một ít điện trở để sửa chữa đài điện báo... Thế nhưng với suy nghĩ “Đảng cần là phải làm, sống chết cũng phải hoàn thành nhiệm vụ”, hai ông cùng bàn bạc kế hoạch, nhanh chóng nghiên cứu, thiết kế, lên bản vẽ để lắp ráp máy phát sóng phát thanh. Ông Tòng nhớ lại thời khắc lịch sử vào 19h ngày 1/2/1962, khi tiếng nói chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tỏa đi khắp cả nước.

“Lúc đó tôi cho phát bãi ăng ten rộng ra như một trảng nhỏ giữa rừng, cột ăng tên nêu cao lên, được ngụy trang, có rỏ rẻ để kéo lên kéo xuống, khi địch do thám thì hạ xuống. Nhưng trong mọi điều kiện đã bắt đầu lên sóng thì không được quyền ngừng, bởi vì nếu ngưng thì địch sẽ biết được vùng của mình đang bị theo dõi, thành ra sống chết gì cũng phải phát thanh. Khi phát đi các nơi báo là nghe rõ, nghe tốt, cả Hà Nội cũng nghe được nên anh em rất vui mừng”- ông Tòng kể.

Được xây dựng trong điều kiện rất khó khăn gian khổ nơi chiến khu, với sự nỗ lực của lực lượng tại chỗ và đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ tích cực của cán bộ, nhân viên Đài Giải phóng A ở miền Bắc, chỉ trong thời gian ngắn, đài đã phát 10 giờ mỗi ngày, bằng 5 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa và Khmer phục vụ đồng bào và chiến sĩ, phát qua phía đối phương và truyền đi nhiều nơi trên thế giới. Hoạt động của Đài được duy trì liên tục, an toàn, ngày càng được củng cố về chất lượng, nâng công suất từ 150W lên 1KW, có cả máy phát dự phòng cho căn cứ dự bị, phòng khi địch đánh phá.

Ông Trần Thọ Vĩnh, từng là kỹ thuật viên, phát thanh viên Đài phát thanh giải phóng A bồi hồi khi nhắc lại những lần tác nghiệp khó quên thời kỳ đó. Nhiều biện pháp được chuẩn bị kỹ lưỡng; phòng thu, studio đặt ngay trên ô tô, có khi chỉ cần một căn nhà lá che bạt là đủ để chương trình lên sóng.

“Chúng tôi lúc đó không nghĩ đến chiến trường ác liệt, có khi phải hy sinh mà chỉ lo làm thế nào có văn bản tới là mình đọc, cảm thấy trong lòng rất vui, không hề lo nghĩ hay sợ sệt. Ở chiến trường phải đối mặt với bom đạn mà mọi người vẫn làm được thì lúc đó mình cũng đang chiến đấu chứ không phải chỉ là phát thanh viên”- ông Trần Thọ Vĩnh cho biết.

Những thông tin được phát trực tiếp từ chiến trường bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đã truyền đi thông điệp với cả thế giới về khát vọng hòa bình và độc lập, thống nhất Tổ quốc, đồng thời vạch trần những âm mưu, tội ác của Mỹ - ngụy. Với Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu, phát thanh viên Đài Phát thanh Giải phóng, dù hàng chục năm đã trôi qua nhưng bà vẫn không thể nào quên những cung bậc cảm xúc khi thể hiện các bản tin trên Đài.

“Thời gian Mỹ ngụy đàn áp nhà tù Phú Lợi, đầu độc tù chính trị, cũng như tin Mỹ ngụy đàn áp phong trào sinh viên học sinh ở Sài Gòn, phong trào đấu tranh của Phật giáo... Khi đọc những tin đó, chúng tôi không khỏi xúc động, cho dù tới giờ hơn 50 năm trôi qua, tôi vẫn cảm thấy lửa nóng trong người, và lúc đó khi đưa tin đến bà con, mình cảm thấy thế nào thì truyền đạt đến người nghe để mọi người cùng tham gia tranh đấu”- nghệ sỹ ưu tú Phi Điểu chia sẻ.

Nhận rõ tác dụng của Đài phát thanh Giải phóng đối với cuộc kháng chiến của quân và dân ta, Mỹ ngụy không ngừng dùng mọi phương tiện hiện đại tìm dò địa điểm đặt Đài, dùng máy bay, pháo binh và cả bộ binh, biệt kích hòng tiêu diệt cho được. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh Giải phóng vừa khắc phục khó khăn về phương tiện, kỹ thuật, vừa chiến đấu ngoan cường với giặc, đảm bảo làn sóng không bị gián đoạn.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, nguyên biên tập thời sự Đài phát thanh Giải phóng nhớ mãi hình ảnh những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, trong đó có ông Đỗ Phước Đoàn, từng hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Campuchia, sau đó xin về đầu quân cho Đài Phát thanh Giải phóng.
 
“Nhắc tới anh Đỗ Phước Đoàn, tôi không thể cầm được nước mắt. Mỗi lần đi chỗ nào khó khăn, nguy hiểm, anh Năm Đoàn đều giành đi đầu tiên, có gì thì anh hy sinh trước. Trong một lần dẫn đoàn đi tiếp phẩm, ảnh biểu “anh em ngừng lại ở đây để tôi đi tiên phong”. Khi anh đi thì bỗng nghe tiếng la rất lớn “Có giặc, các đồng chí ơi!” và tiếp sau là một loạt súng nổ liên hồi. Khi êm rồi chúng tôi mới ra và thấy rằng, trong khi ảnh la có giặc thì những họng súng điên cuồng đã xả vô người anh ấy”-ông Nguyễn Duy Tuấn kể.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ buổi phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng, những nhà báo - chiến sĩ năm xưa đến nay vẫn không bao giờ quên những giờ phút xúc động, tự hào khi cách mạng miền Nam cất lên tiếng nói chính nghĩa qua một đài phát thanh.

Có lẽ cho đến nay, không một Đài nào, báo nào trên thế giới như Đài phát thanh Giải phóng, 13 năm chưa một lần trả thù lao, nhuận bút cho bài viết, tác phẩm, có chăng chỉ là một gói trà, một bánh thuốc rê..., 13 năm không một buổi phát thanh nào ngưng nghỉ, dù chiến trường có ác liệt, chia cắt. Thành tích trong chiến đấu, đau thương mất mát trong chiến tranh, ước mơ cháy bỏng về khát vọng hòa bình của mỗi xóm làng, mỗi con người miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không bao giờ thiếu trên làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng./.

 

 

Theo VOV

.