An toàn PCCC là tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư
Phó Thủ tướng nêu vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) do Bộ Công an tổ chức sáng 21/9.
Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị trực tuyến về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC- CNCH) do Bộ Công an tổ chức.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao thành tích mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được, đặc biệt là lực lượng PCCC-CNCH đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dẫn lại số liệu về các vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trong cả nước thời gian qua, như vụ cháy lớn tại khu vực Đê La Thành, ngay cạnh Bệnh viện Nhi Hà Nội gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân; vụ cháy quán karaoke tại 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) ngày 1/11/2016 làm 13 người chết; vụ cháy tại chung cư Carina (Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 23/3/2018 làm 13 người chết…, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng còn có nguyên nhân chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC.
"Một bộ phận cán bộ, kể cả người đứng đầu, lãnh đạo các cấp, ngành và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC; chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác này; mới tập trung cho đầu tư phát triển, nhưng chưa chú ý đến đầu tư cho phòng ngừa sự cố", Phó Thủ tướng nhận định, đồng thời cho rằng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ vẫn còn hạn chế.
Phó Thủ tướng chỉ ra thực trạng nhiều nhà chung cư, cao tầng chưa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về trang thiết bị, đảm bảo an toàn cháy nổ, hoặc vi phạm quy định về PCCC nhưng vẫn được xây dựng, đặc biệt là tại những khu dân cư đông đúc, khiến nguy cơ rất lớn về thiệt hại khi phát sinh sự cố.
Theo Phó Thủ tướng, việc quy hoạch, triển khai thành lập các đội chữa cháy khu vực, đội cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp ở các địa bàn, khu vực trọng điểm còn chậm. "Nhất là tại các thành phố lớn, đông dân cư thì phải bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu ứng phó nhanh nhất. Tuy nhiên có thực trạng "tắt lửa thì công trình đã xong", vì vậy việc chữa cháy cần có phương án bảo vệ được công trình, tài sản", Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ là tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
An toàn PCCC là tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư
Để tăng cường công tác PCCC-CNCH thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh "lấy phòng ngừa là chính và ứng phó kịp thời với mọi tình huống sự cố", đồng thời "trước hết bảo đảm tính mạng của người dân, giảm thiệt hại tài sản ở mức thấp nhất, góp phần phát triển bền vững".
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát những vướng mắc, bất cập về hành lang pháp lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, PCCC-CNCH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.
Bộ Công an sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác PCCC đối với khu dân cư. Bộ Xây dựng rà soát lại các quy định, quy chế trong công tác quản lý, vận hành chung cư, nhà cao tầng để để xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu thực tế. “Trong đó, phải quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà trong việc duy trì bảo dưỡng, bảo trì các hệ thống kỹ thuật về PCCC của tòa nhà, nhất là đối với loại hình nhà tái định cư, nhà ở chính sách, nhà ở xã hội...", Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Theo Phó Thủ tướng, làm tốt công tác PCCC-CNCH là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình, tạo ra môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Mỗi người dân phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về PCCC-CNCH, tự giác tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và biết cách xử lý khi gặp cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh "người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình". Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC và kỹ năng, biện pháp thoát nạn cho nhân dân; tập trung chỉ đạo xây dựng, kiện toàn tổ chức, đầu tư trang bị, phương tiện cho đội PCCC cơ sở, đội chuyên ngành và đội dân phòng theo đúng quy định của pháp luật./
Theo VOV