7 người chết ở Lễ hội âm nhạc: Đua đòi và a dua
Trong các lễ hội âm nhạc với ánh sáng, âm thanh lớn sẽ khiến giới trẻ phấn chấn, khó kiểm soát hành vi. Họ dễ bị sa ngã, có hành vi lệch chuẩn đạo đức.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển cho rằng, sự việc 7 người chết ở Lễ hội âm nhạc tại công viên nước Hồ Tây là vô cùng đáng tiếc và đau lòng, khiến dư luận bàng hoàng.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, âm nhạc và lối sống của giới trẻ có mối liên quan nhất định. Khi thanh niên tham gia lễ hội âm nhạc trong bối cảnh âm thanh nặng, ánh sáng sẽ dễ làm họ phấn khích, dẹp cuộc sống thực tại qua một bên. Điều này khiến giới trẻ khó kiểm soát hành vi, đặc biệt là khi đi cùng với một nhóm.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển. (Ảnh: KT) |
“Có trường hợp thanh niên không sử dụng ma túy, nhưng những người bạn xung quanh sử dụng đưa cho thì rất khó kiểm soát hành vi của mình”- ông Đặng Vũ Cảnh Linh nói.
Cần định hướng, tạo môi trường sống tích cực cho giới trẻ
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chất kích thích, ma túy. Đó là do gia đình nuông chiều, do các bạn chán nản, bi quan trong cuộc sống hoặc do bị nhóm bạn kích động, lôi kéo.
Theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh, lứa tuổi thanh niên là giai đoạn khá biến động từ tâm sinh lý đến việc hình thành nhân cách. Trong giai đoạn này, mối quan hệ tương tác giữa bạn bè, môi trường sống nhiều hơn gia đình, vượt ra ngoài mối quan hệ của gia đình. Vì vậy, sự gắn kết với gia đình, đặc biệt là bố mẹ ít hơn so với bạn bè.
“Ở độ tuổi này, cần có sự định hướng, tạo môi trường sống tích cực cho thanh niên, giới trẻ. Khi giới trẻ bước vào môi trường sống lành mạnh, tích cực, hay có giá trị được định hướng tốt thì sẽ có những hành vi tốt. Ngược lại, môi trường sống chưa tốt, không an toàn thì rất dễ bồng bột, nông nổi, dễ có những sa ngã, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn đạo đức”- TS Đặng Vũ Cảnh Linh phân tích.
Đối với mỗi một con người, gia đình là 1 tế bào của xã hội. Tuy nhiên hiện nay, với sức ép về kinh tế, gia đình hiện đại có nhiều chức năng phải làm. Vì vậy, cha mẹ đã không còn dành nhiều thời gian cho con trẻ. Khi trẻ lớn, đến tuổi tự lập, khoảng cách giữa cha mẹ và con trẻ ngày càng xa. Sự quan tâm thực sự của gia đình đối với con cái không được như trong xã hội truyền thống.
Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, các gia đình hãy quan tâm đến con cái, đặc biệt là giới trẻ, lứa tuổi thanh niên không chỉ bằng vật chất, tiền bạc mà cần giáo dục, có tình cảm với lứa tuổi này là vô cùng quan trọng.
“Phải tăng cường sự hiểu biết, tăng sự đối thoại của cha mẹ với con cái. Đó là điều vô cùng cần thiết, sự đối thoại ở đây để con cái có thể lắng nghe những lời chỉ dạy của cha mẹ, những điều tích cực của cha mẹ. Theo đó, sự đối thoại ấy sẽ không còn mang tính áp đặt mà nó dựa trên tinh thần dân chủ, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Điều này, các gia đình ở Việt Nam cần phải có công cụ truyền thông tốt hơn để các ông bố bà mẹ hiểu hơn trách nhiệm của mình đối với con cái và đặc biệt là đối với thế hệ thanh niên”- TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho biết./.
Theo Thy Hạt/VOV.