Tà Lèng "cán đích" nông thôn mới nhưng vẫn "nợ" tiêu chí số 10
Điện Biên TV - Xã Tà Lèng vừa tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Tuy nhiên, ở thời điểm công bố, Tà Lèng chỉ đạt 18/19 tiêu chí theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Như vậy, xã vẫn còn "nợ" tiêu chí số 10 về thu nhập.
Xã Tà Lèng đón nhận "Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017" hôm 10/8/2018 |
Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là cốt lõi mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Do đó, thời gian qua, xã Tà Lèng, Thành phố Điện Biên Phủ đã thực hiện nhiều giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Xã đã quy hoạch sử dụng đất sản xuất theo từng vùng phù hợp với kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi. Diện tích đất sản xuất lương thực của xã Tà Lèng nằm trong cánh đồng vùng cao, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, vì vậy có điều kiện để phát triển sản xuất gạo chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hoá. Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong những năm qua đã có bước phát triển, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ, đời sống nhân dân từng bước ổn định và nâng cao. Sau 7 năm thực hiện chương trình NTM, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Tà Lèng tăng lên rõ rệt nếu như năm 2011 đạt 6 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2016 đạt 13 triệu đồng/người/năm và năm 2017 đạt 14,71 triệu đồng/người/năm. Như vậy, theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ và có hiệu lực từ 1-12-2016 chỉ tiêu chung về tiêu chí số 10 là 45 triệu đồng/người/năm, vùng trung du miền núi phía Bắc là 36 triệu đồng.
Nói về những khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 10 thời gian qua, ông Lò Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Tà Lèng cho biết: Trình độ dân trí của người dân trong xã không đồng đều, nguồn lao động đã qua đào tạo nghề còn ít nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân còn nhiều gặp khó khăn. Quỹ đất sản xuất nông nghiệp không còn khả năng khai hoang, mở rộng diện tích; quy mô sản xuất của các hộ gia đình còn manh mún, đời sống của một số hộ nhân dân còn khó khăn nên không có khả năng đầu tư lớn cho phát triển sản xuất. Các nguồn lực đầu tư để xây dựng NTM còn hạn chế nên việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo các hệ thống cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi,... có nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi còn chậm, chưa mang tính sản xuất hàng hóa.
Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã Tà Lèng đạt 14,71 triệu đồng |
Để "trả nợ" tiêu chí số 10, thời gian tới, Tà Lèng sẽ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn; phát triển nông nghiệp chất lượng cao và phát triển du lịch dịch vụ. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã dựa trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của mình, xác định các sản phẩm có ưu thế vượt trội để phát triển hàng hóa; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp; tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên cho các ngành sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết lao động tại chỗ của địa phương. Cùng với đó là tích cực xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn. Mặt khác, đẩy mạnh việc chuyển giao, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, dự kiến đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 xã sẽ triển khai điểm dự án nuôi gà thả đồi, quy mô 1.000 con với hơn 10 hộ tham gia nhằm khuyến khích người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN