Nguồn tiền từ quỹ BHYT được sử dụng thế nào?
TGĐ Nguyễn Thị Minh khẳng định, BHXH Việt Nam xác định luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc thanh toán chi phí KCB BHYT.
Tại phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì vừa diễn ra mới đây, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã thẳng thắn trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc cơ sở y tế sử dụng nguồn tiền từ quỹ BHYT như thế nào?
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo tại phiên giải trình. |
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay, phần tiền cơ cấu tập trung cho người bệnh nhiều hơn. Cơ sở khám chữa bệnh (KCB) cứ chi nhưng Hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH sẽ lưu lại toàn bộ dữ liệu liên quan và cơ quan BHXH sẽ có ý kiến đối với từng vấn đề sau khi việc đó diễn ra. Quy trình chuyên môn cần phải thực hiện nghiêm. Cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào các quy định của ngành Y tế để giám sát những vấn đề liên quan, như chi phí gia tăng bất thường.
"Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh và phân cấp cho các huyện tổ chức thực hiện BHYT tại các cơ sở y tế, trong đó có tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn người tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. Năm 2017, đã có 61% số thẻ BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến y tế cơ sở và năm 2018 là 71%", bà Minh cho biết.
Đại diện Bộ Y tế phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thành tựu lớn nhất của ngành Y tế trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế (TYT) xã, bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% TYT có bác sĩ KCB; 97% TYT có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%...
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2010-2014, số lượt KCB tại tuyến xã tăng qua các năm, với tỉ lệ gia tăng bình quân 4%. Chi phí bình quân/lượt tại tuyến xã, huyện tăng mạnh qua các năm, trong đó chi phí bình quân tuyến xã của 6 tháng đầu năm 2018 gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp rưỡi so với năm 2016.
Chi phí bình quân tuyến huyện 6 tháng đầu năm 2018 gấp 1,8 lần so với năm 2015. Đặc biệt, cơ cấu chi phí đang có sự dịch chuyển tỉ lệ chi KCB từ tuyến Trung ương xuống tuyến huyện (năm 2015 tỉ lệ chi tại tuyến trung ương chiếm 22,4%; năm 2017 chiếm 18% tổng chi KCB các tuyến). Trong khi đó, chi phí KCB tuyến huyện, xã gia tăng (26,3% năm 2015 tăng lên 31,3% năm 2017).
GS. TS Phạm Mạnh Hùng- nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, dù đã có nhiều văn bản, nghị quyết đề cập và đầu tư kinh phí khá nhiều cho y tế cơ sở, nhưng hiệu quả chưa cao và chưa bền vững, chưa thấy chuyển biến rõ nét trong thực tế.
"Ngành Y tế phải xác định cụ thể nội dung hoạt động của y tế cơ sở; gắn chặt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu với các hoạt động như: Dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe", ông Hùng nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn và kinh nghiệm thực tiễn, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, TYT vắng bệnh nhân không phải do nhân lực y tế yếu, mà do việc khoán KCB BHYT cho tuyến xã tối đa 20%. Dù danh mục nhiều thuốc, nhiều dịch vụ như quy định tại Thông tư 39 về gói DVYT cơ bản, song cũng chạm trần 20%, nên người dân ít muốn đến TYT.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng khẳng định, BHXH Việt Nam xác định luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc thanh toán chi phí KCB BHYT. Trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng không sử dụng hết định mức vật tư, chi phí tiền giường tăng lên nhiều. Do đó, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất giảm định mức một số dịch vụ cao so với thực tế…
Liên quan các chính sách tài chính phục vụ cho y tế cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan của Quốc hội trình Ủy ban TVQH chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp, BHYT giai đoạn 2016-2018 và 2019-2021. Đồng thời, Bộ cũng chủ động phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng giá dịch vụ KCB BHYT để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT…/.
Theo VOV