Người dân 'làng nổ đạn' phó mặc mạng sống cho số phận

Thứ Bảy, 25/08/2018, 16:28 [GMT+7]

Người dân làng nổ đầu đạn Quan Độ ( Bắc Ninh) chấp nhận “sống chung với lũ” nếu vẫn còn cơ sở kinh doanh vật liệu nổ?
 
Vẫn ám ảnh vụ nổ kinh hoàng


Nghề đồng nát Quan Độ xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh vốn là nghề mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân nhưng cũng chính là mối lo, mối nguy hiểm cho họ.
 

1
Những ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi vụ nổ đạn vẫn chưa được xây dựng lại.


Nhiều tháng trôi qua, những hình ảnh về vụ nổ kinh hoàng khiến 2 cháu nhỏ tử vong và nhiều người khác bị thương vẫn còn ám ảnh người dân làng Quan Độ. Gần 7 tấn đầu đạn của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến phát nổ đã khiến 217 hộ dân bị ảnh hưởng, những ngôi nhà bị sập, hỏng mái, vỡ kính... rải rác khắp làng.  Khi hỏi bất kỳ người già, người trẻ… ai cũng nhớ nguyên những âm thanh chấn động từ vụ nổ ấy.

Gia đình chị Vân Anh (làng Quan Độ, Văn Môn, Yên Phong) thu nhặt được cả xô đạn trong quá trình dọn dẹp lại nhà cửa để xây dựng. Chị cho biết: “Khi nghe tiếng nổ, mọi người bàng hoàng, giật mình cứ nghĩ tiếng nổ ở đâu đó chứ không phải ở làng mình. Giờ dọn dẹp nhà cửa vẫn còn thấy lo lắng bởi vẫn nhặt được nhiều đầu đạn…”
 

1
Xô đạn được người dân nhặt được trong quá trình dọn dẹp nhà cửa.


Sau hơn 7 tháng, khung cảnh làng Quan Độ vẫn còn tan hoang, nhiều người vẫn chưa thể về lại ngôi nhà của mình, một số khác đến nhà người thân ở nhờ.

Người chọn “sống chung với lũ”

Từ đầu thế kỷ XX, Văn Môn đã bắt đầu có nghề cô đúc nhôm, sau đó người dân đi khắp nơi thu gom phế liệu từ “thượng vàng hạ cám” về kinh doanh buôn bán và trở thành làng nghề truyền thống ở huyện Yên Phong.

Con đường đất lớn dẫn vào làng Quan Độ dày đặc những kho, bãi phế liệu với đủ chủng loại. Từ những bãi dây cáp điện chất đống để chờ tách lõi, khu vực chất đống đồ điện dân dụng cũ hay những loại máy móc có kích thước lớn như trạm biến áp, buồng cao thế…

Những con đường trong làng đông đúc, chặt kín những người lao động đang thu nhặt, “mổ” máy móc để lấy những chi tiết giá trị.  Một người phụ nữ làm công việc bóc tách lõi dây cáp bên đường cho biết, trung bình mỗi tháng thu nhập từ 5-7 triệu đồng chứng tỏ nguồn thu về từ việc buôn bán phế liệu không hề nhỏ.
 

1
Những đồ phế liệu có hình dáng giống như bình chứa nhiên liệu nghi của máy bay xuất hiện trên bãi ở làng Quan Độ.


Theo chân một người mua hàng, chúng tôi khá ngạc nhiên khi đi vào trong từng cơ sở buôn bán phế liệu, không chỉ ở bên ngoài đường, những kho hàng chất cao tận nóc nhà với đủ loại phế liệu đang chờ được phân chia chi tiết.

Theo vị khách này, những chi tiết máy ở đây có giá thành rẻ hơn khá nhiều khi phải mua hàng cũ trên mạng.

 “Máy móc cũ ở đây đa phần là nhập hàng ở trong nước nên không chỉ tôi mà cũng nhiều thợ cơ khí tìm đến mua về “mổ” lấy chi tiết máy”, vị khách cho biết.

Anh cũng chỉ cho chúng tôi những đồ phế liệu có hình dáng giống như thùng đạn, bình chứa nhiên liệu nghi của máy bay, chiếc xe giống với chiếc môtô sử dụng trong quân đội… được xếp tràn lan ở bãi.

Sinh ra và lớn lên tại làng Quan Độ, Văn Môn, Yên Phong, anh Nguyễn Hữu Hùng quen với việc dân làng buôn bán phế liệu từ khi còn nhỏ. Anh Hùng cho biết vụ nổ cách đây 7 tháng gây đau thương cho người dân làng Quan Độ thế nhưng đó không phải vụ nổ đầu tiên. Trước đó cũng có nhiều vụ nổ khác xảy ra nhưng không gây thiệt hại lớn.  Sau vụ nổ, người dân trong làng cũng nhanh chóng quay trở lại cuộc sống, với công việc kinh doanh của mình.

“Người ta buôn gì làm sao mình biết được. Họ (nhà ông Tiến – PV) chở hàng về rồi cất trong kho chứ có để cho mình nhìn thấy đâu. Người dân chúng tôi cũng quen với cảnh buôn bán này rồi nên giờ gia đình nào có buôn bán vật liệu nổ thì cũng đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Chết lúc nào biết lúc đấy thôi!”, anh Hùng nói.

Còn theo anh T. , người dân sống đối diện với căn nhà nổ đầu đạn: Sống cạnh kho nhưng không biết người ta buôn gì, chứa gì trong nhà nên cũng không sợ. Người ta mang về thì chỉ có trời mới biết cái nào nổ, cái nào không. Khi nổ rồi chắc mọi người mới biết.

Thế nhưng, một người phụ nữ khác trong làng cho biết: “Trước kia, người ta buôn buôn bán phế liệu vũ khí nguy hiểm thì đó là chuyện bình thường nhưng giờ chúng tôi mà trông thấy những vật như thế thì sẽ báo cáo chính quyền, sẽ không nể nang. Ở đâu phát hiện thì báo chứ không thể để chết chung với nó”.
 

1
Những người lao động đang thu nhặt, “mổ” máy móc để lấy những chi tiết giá trị ngay trên đường làng.


Bên cạnh đó, với những người trực tiếp buôn bán phế liệu, sau vụ nổ, việc kinh doanh của họ vẫn diễn ra bình thường. “Chúng tôi chỉ nhập những loại máy móc chủ yếu là máy nổ, động cơ điện, ô tô, tàu… chứ không có ai dám buôn mấy hàng phát nổ như thế nữa”, anh Dương, chủ một xưởng buôn bán phế liệu tại làng cho biết.

Quy hoạch bãi tập kết phế liệu

Nguy hiểm cháy nổ từ các cơ sở thu mua phế liệu luôn tiềm ẩn, trong khi tại làng Quan Độ, những cơ sở này nằm trong khu dân cư. Trường hợp xảy ra cháy nổ sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ông Nguyễn Hoàng Gia – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết: Chính quyền địa phương đang định hướng chủ chương cho nhân dân đặc biệt là người dân làng Quan Độ quy hoạch được một bãi tập kết vật liệu, phế liệu và hàng hóa cho người dân trong thôn.

 “Khi hình thành được bãi tập kết này sẽ giúp chính quyền kiểm soát được cơ bản về phòng cháy chữa cháy và phòng chống cháy nổ trong việc buôn bán của người dân”, ông Gia nói.

Trước đó, rạng sáng này 3/1 đã xảy ra một vụ nổ bom tại một cơ sở thu mua phế liệu ở làng Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh) khiến hai trẻ nhỏ tử vong và nhiều người bị thương. Cũng tại làng Quan Độ đã từng có người tử vong vì xử lý bom mìn lấy sắt thép. Ông Nguyễn Văn Tiến (53 tuổi, chủ cơ sở phế liệu phát nổ) bị khởi tố, bắt tạm giam./.

 

 

Theo VOV

.