Điện Biên ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu

Chủ Nhật, 12/08/2018, 15:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu có những biểu hiện và tác động ngày càng rõ nét, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Bão, lũ, sạt lở đất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch, triển khai những giải pháp kịp thời ứng phó với các hiện tượng thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân trên địa bàn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, thiên tai do biến đổi khí hậu đã làm gần 6.000ha đất ruộng lúa bị sạt lở, bồi lấp và rửa trôi; hơn 300ha ruộng lúa mất trắng vì ngập lụt; trên 1.200ha ruộng lúa bị thiệt hại trên 70%; gần 290ha lúa nương bị sạt lở; gần 200ha ngô mất trắng; hơn 400ha rau màu ngập úng.

Đồng thời, có gần 150ha cà phê bị bồi lấp; trên 12.000 cây cao su bị đổ, gãy; 500ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; gần 4.500 con gia súc bị chết do thiên tai cùng hàng trăm công trình thủy lợi và hàng trăm kilômet kênh mương bị cuốn trôi, vùi lấp, tổng thiệt hại ước tính gần 1.500 tỷ đồng. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch hại, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, như: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo.

1
Trạm y tế xã Mường Lói huyện Điện Biên ngập sâu trong nước mùa mưa 2017

 

Trong những năm gần đây, dân số trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, cùng với quá trình di cư tự do đã dẫn tới tình trạng đốt, phá rừng làm nương; chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng hồ thủy lợi, thủy điện, đã phá vỡ hệ sinh thái và sinh cảnh tự nhiên làm cho đa dạng sinh học bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng.

Nhiều loài thực vật, động vật quý, hiếm như: Pơ mu, thông tre, sao mặt quỷ, trầm hương; gấu, linh trưởng, niệc cổ hung.v.v… đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Hệ thống văn bản, chính sách, hướng dẫn về đa dạng sinh học, Luật thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học có sự chồng chéo.

Nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, chưa đáp ứng đủ cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài, nguồn gen; nhu cầu đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng chưa được đáp ứng kịp thời. Đội ngũ cán bộ có chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm do đó việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án về đa dạng sinh học còn hạn chế. Ngoài ra, người dân sống tại vùng đệm khu bảo tồn phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng; trình độ và nhận thức còn hạn chế nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tham gia các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn.
 
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, các cấp chính quyền của tỉnh ta đã lồng ghép công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học vào Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, TP, làm cơ sở để thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng triển khai thực hiện Chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng cho gần 160.000 ha diện tích rừng, đạt trên 50%. Cùng với đó, nhiều chính sách, văn bản về bảo tồn ĐDSH đã được UBND tỉnh ban hành như: Quyết định số 593 phê duyệt Dự án quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; Kế hoạch hành động Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 837 về việc thành lập Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên.

Kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2020 đã đề ra một số mục tiêu như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; bảo tồn và phát triển sự phong phú của hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng trên địa bàn tỉnh; bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường; nâng cao công tác quản lý và phát triển, chăm sóc, nhân giống các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị lưu giữ, các loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cảnh quan bị suy thoái nhằm bảo tồn bền vững đa dạng sinh học, đa dạng nguồn gen

Nâng cao độ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh ta huy động nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương để triển khai các dự án thành phần trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng.

1
Biến đổi khí hậu có những biểu hiện và tác động ngày càng rõ nét, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Bão, lũ, sạt lở đất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân

    
Nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi thủy sản, trong vài năm trở lại đây ngành Nông nghiệp cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ và người dân về những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng những giống chịu hạn, chịu lạnh, những giống thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, gắn với chuỗi liên kết bền vững; phổ biến, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chọn giống, quy trình kỹ thuật thâm canh, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó là chủ động xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng trồng tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, nhằm giảm thiểu tổn thất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
 
Hiện nay, hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, môi trường đang là vấn đề nóng của nhân loại. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng cần nâng cao ý thức, chung tay góp sức để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỗi người trong chúng ta hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ, như: Trồng cây gây rừng; hạn chế sử dụng túi nilon, không xả rác, xả thải ra môi trường bừa bãi; sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, năng lượng.v.v… nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống./.

 

 

Tuấn Trung/Dienbientv.vn

.