Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả
Điện Biên TV - Điện Biên là 1 trong 21 tỉnh trên cả nước được chọn tham gia Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của tỉnh. Qua hơn 2 năm triển khai, tỉnh đã nỗ lực triển khai chương trình nhằm từng bước cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn.
Tham gia Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 45 xã được triển khai. Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, chương trình này sẽ góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá.
Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện (từ năm 2016 đến hết tháng 6/2018) toàn tỉnh đã triển khai được 45 công trình, trong đó đối với hợp phần cấp nước nông thôn đã triển khai thực hiện được 14/26 công trình cấp nước cho cộng đồng dân cư, 18/29 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trường học; 13/29 công trình thuộc hợp phần vệ sinh nông thôn. Riêng hợp phần nâng cao năng lực, truyền thông thay đổi hành vi; kiểm tra, giám sát và đánh giá đã triển khai thực hiện với tổng số 37 hoạt động. Tổng kinh phí được giải ngân là 22.735 triệu đồng (đạt gần 37%).
Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ của người dân |
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình đã gặp một số khó khăn, vướng mắc đó là: Năm 2016 chương trình mới bước vào thực hiện, chưa được cấp kinh phí; đến cuối năm 2017, Trung ương mới chuyển kinh phí thực hiện cho tỉnh nên không đủ thời gian thực hiện các hoạt động trong năm. Năm 2018, UBND tỉnh đã phân bổ vốn cho các hợp phần nhưng đến thời điểm hiện tại, WB vẫn chưa chuyển kinh phí vốn đầu tư thực hiện chương trình cho tỉnh, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp. Mặt khác, do nguồn vốn phân bổ hàng năm rất hạn chế so với nhu cầu vốn thực hiện của từng hợp phần nên không đủ vốn để thực hiện hết các hoạt động theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là vệ sinh hộ gia đình do ngành Y tế thực hiện, do vậy sẽ khó đạt được vệ sinh toàn xã dẫn đến không hoàn thành kế hoạch đề ra. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Việc nghiên cứu các nội dung văn bản triển khai của các ngành chức năng chưa được kỹ; sự phối hợp giữa các ngành được giao làm chủ đầu từ với các huyện, thị chưa được chặt chẽ.
Chương trình đề ra mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020 là cấp nước sinh hoạt đạt quy chuẩn và đảm bảo bền vững 11.983 đấu nối (khoảng 54.000 người sử dụng); đảm bảo cấp nước, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và phát huy hiệu quả bền vững 38 trạm y tế; thực hiện vệ sinh toàn xã cho 45 xã với tiêu chí 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và 80% số hộ trong xã có điểm rửa tay xà phòng; đảm bảo cấp nước, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và phát huy hiệu quả bền vững cho 171 trường học.
Việc triển khai chương trình sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ của người dân và giải phóng phụ nữ trong nhiều công việc nặng nhọc liên quan đến nước sạch và vệ sinh, cải thiện điều kiện vật chất; đồng thời góp phần nâng cao nếp sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng miền núi, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số./.
Diệp Xuân/Dienbientv.vn