Điện Biên sau 8 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới
Điện Biên TV - Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, do xuất phát điểm thực hiện chương trình thấp, bình quân tiêu chí trên xã năm 2011 là 1,4 tiêu chí nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng tâm đồng lòng của nhân dân các dân tộc, đến nay toàn tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt nông thôn mới.
Kết quả từ sự đoàn kết
8 năm qua, cả hệ thống chính trị ở các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã chung sức xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện. Bộ máy chỉ đạo, quản lý chương trình được thành lập từ tỉnh đến xã; đã vận dụng các cơ chế chính sách của Trung ương để ban hành nhiều cơ chế chính sách, bố trí lồng ghép nguồn vốn, tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế, xã hội các xã. Giai đoạn 2011 - 2018, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 9.674 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp hơn 878 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 65 tỷ đồng; các nguồn vốn lồng ghép khác 8.446,18 tỷ đồng; vốn tín dụng 83 tỷ đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp 3,84 tỷ đồng và vốn huy động từ cộng đồng dân cư 200,12 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt nông thôn mới. (Trong ảnh: Người dân và đoàn viên thanh niên xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ làm đường giao thông nông thôn.) |
Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân từng bước được nâng lên, nhân dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới nên đã chủ động tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Lò Văn Phúi, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông hiến 5.275m2 đất để xây dựng trường tiểu học và làm đường, với giá trị quy đổi khoảng hơn 863 triệu đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Thanh Chăn, Noong Hẹt, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa, Thanh Yên, Thanh Xương, Pom Lót, Thanh An - huyện Điện Biên; Thanh Minh, Tà Lèng - Thành phố Điện Biên Phủ; Ảng Nưa - huyện Mường Ảng; xã Lay Nưa - Thị xã Mường Lay; tăng 13 xã so với năm 2011 và tăng 12 xã so với năm 2015. 3 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới với 15 - 18 tiêu chí gồm: xã Mường Phăng - huyện Điện Biên; xã Sín Thầu - huyện Mường Nhé; xã Chà Nưa - huyện Nậm Pồ.
Các huyện đạt tiêu chí bình quân/xã thuộc nhóm từ 7 tiêu chí trở lên gồm: huyện Điện Biên 11,88 tiêu chí/xã; huyện Tuần Giáo 7,8 tiêu chí/xã; huyện Tủa Chùa 7,6 tiêu chí/xã; huyện Mường Chà 7,0 tiêu chí/xã. Các huyện còn lại có số tiêu chí bình quân/xã dưới 7 tiêu chí đều thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ gồm: huyện Mường Ảng 6,9 tiêu chí/xã; huyện Mường Nhé 6,7 tiêu chí/xã; huyện Nậm Pồ 5,5 tiêu chí/xã và huyện Điện Biên Đông 3,4 tiêu chí/xã.
Những hạn chế cần vượt qua
Bên cạnh những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, xã còn hạn chế, chưa chủ động, sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện các nội dung của chương trình. Các xã trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm rất thấp, nhiều xã chỉ đạt từ 1 - 2 tiêu chí; năm 2011, khi mới bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 97/98 xã đạt dưới 5 tiêu chí, gần 100% các xã không đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng (trừ xã Thanh Chăn - huyện Điện Biên); thu nhập thấp và tỷ lệ hộ nghèo cao, việc huy động nguồn lực tại chỗ hết sức khó khăn. Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp trên xã thấp, bình quân vốn đầu tư phát triển trên xã đối với các xã đặc biệt khó khăn dưới 5 tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 còn hạn chế khoảng 6,7 tỷ đồng/xã, do đó rất khó có chuyển biến trong nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến cuối năm 2019 không còn xã dưới 5 tiêu chí; đến năm 2020 tỉnh sẽ có 35 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 13 đề ra.
Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới; nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội, môi trường; củng cố hệ thống chính trị và giữ vững an ninh trật tự xã hội; tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng đề án "Mỗi xã một sản phẩm"; tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn, vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới và liên doanh liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị...
Diệp Xuân/Dienbientv.vn