Điện Biên: Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Một ngôi nhà của người dân tại bản Cà Là Pá, Leng Su Sìn, Mường Nhé bị mưa lũ cuốn trôi. |
Điển hình, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, chỉ trong 3 ngày mưa lũ 23 - 25/6 đã thiệt hại về tài sản ước tính gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt, như: Trên Quốc lộ 4H, địa phận bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) bị ngập lụt chưa thể lưu thông được; Quốc lộ 279, đoạn nối huyện Tuần Giáo, Điện Biên với huyện Quỳnh Nha, Sơn La, xảy ra sạt lở tại km280+900 khiến tuyến Quốc lộ này bị tê liệt trong nhiều giờ. Nhiều tuyến đường liên xã cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở không thể lưu thông được. Mưa lũ cũng làm 5,7ha diện tích lúa bị vùi lấp; nhiều gia súc, gia cầm và ao cá bị cuốn trôi.....
Nước lũ dâng cao khiến nhiều ao cá của dân bản Na Hý, xã Hua Thanh bị mất trắng (ảnh TTXVN) |
Cũng vừa qua, do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với cơn bão số 4, từ đêm 15/8, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra mưa lớn khiến mực nước tại các song suối dâng cao. Tại xã Hua Thanh, huyện Điện Biên mưa lớn đã khiến 4 nhà bị sạt lở nghiêm trọng, phải di chuyển đến nơi an toàn. Cùng với đó, nhiều diện tích lúa, ao cá của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khoảng 17h10 chiều 3/8 tại km98, Quốc lộ 12 đoạn qua địa phận thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên xảy ra vụ sạt lở đá vào xe ô tô khiến 12 người bị thương (ảnh Vũ Lợi). |
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên xác định tình hình khí hậu ngày càng biến đổi, thiên tai diễn ra thường xuyên với tần suất dầy và gây thiệt hại ngày càng nặng nề hơn đặc biệt là vào các tháng cuối năm. Chính vì thế Ban Chỉ đạo PCTT, TKCN tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động xây dựng phương án phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao có thể xảy ra hiện tượng sạt lở, xói, lở đất, ngập úng... xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.
Sạt lở đất gây ảnh hưởng giao thông tại nhiều tuyết đường trên địa bàn tỉnh Điện Biên. |
Đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Năm 2018, Công tác PCTT, TKCN, cần phát huy tối đa phương án "4 tại chỗ"; các huyện, thị, thành phố nên chủ động trong công tác PCTT, TKCN. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, chỉ đạo tốt công tác trực ban; triển khai thực hiện quỹ phòng chống thiên tai để có kế hoạch khi thiên tai xảy ra. Đồng thời đề nghị Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh yêu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố, các tổ chức kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động kiểm tra rà soát, xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao có thể xảy ra hiện tượng sạt, xói, lở đất, ngập úng... để xây dựng phương án dự phòng, chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Kiên quyết di rời hoặc sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nhất là vùng ven sông suối, nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Tổ chức kiểm tra, kiên quyết đình chỉ thi công đối với các dự án có thải đất đá cản trở thoát lũ hoặc gây sạt lở lấp dòng chảy tạo nguy cơ lũ bùn đá. Chỉ đạo tốt việc phòng chống, cảnh báo và có biện pháp cụ thể tại đơn vị, địa phương để ngăn ngừa các thiệt hại do thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân"
Công tác phòng phòng chống thiên tai, bão lũ không phải là việc làm mới, nhưng với điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, việc chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành, nhằm bảo vệ tốt hơn người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Ngoài ra người dân cũng cần chủ động nắm bắt diễn biến thời tiết để chủ động trong việc phòng lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về người và của./.
Tử Long