Trả lời kiến nghị cử tri thành phố Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 21/07/2018, 08:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - II. Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa XIV

1. Cử tri thành phố Điện Biên Phủ kiến nghị

1.1. Cử tri tổ dân phố 12, 17, 18, phường Him Lam: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện dự án đường 60m và dự án hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục đường 60m còn bất cập:

+ Giá đất, giá m2 xây dựng để thực hiện đền bù không phù hợp, nhiều hộ sau khi giải tỏa không đủ tiền để xây lại nhà mới, nhất là các hộ có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ được hỗ trợ 15%, trong khi đó hộ phi nông nghiệp lại được hỗ trợ 30% là không hợp lý. Đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh lại các quy định trên cho phù hợp, đảm bảo công bằng giữa các hộ và đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân sau giải tỏa.

+ Mức giá đền bù ao nuôi cá đối với các hộ đã xây dựng kè kiên cố 15.000/m2 là không phù hợp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét giải quyết cho phù hợp với thực tế.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau:

a) Về giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không phù hợp

- Đối với Dự án đường 60m (áp dụng chính sách dự án thủy điện Sơn La): Căn cứ khoản 2 Điều 1 Quyết định số 07/2008/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của UBND tỉnh, giá đất để tính tiền bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo Bảng giá các loại đất được UBND tỉnh Điện Biên ban hành tại Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND tỉnh ngày 27/12/2014. Ngoài ra, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp ngoài việc được bồi thường về đất, còn được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở liền kề cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở.

- Đối với Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung (áp dụng Luật Đất đai năm 2013): Giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là giá đất cụ thể theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 114 Luật Đất đai. UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục 60m và khu tái định cư khu 1, khu 2 và khu 3 phường Him Lam, khu tái định cư bản Phiêng Bua, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tại Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp ngoài việc được bồi thường về đất còn được hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 16/5/2016 của UBND tỉnh. Cụ thể:

“Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường (trừ đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng):

- Đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở trung bình của các thửa đất ở liền kề;

- Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:

+ Ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 12/8/2015 của UBND tỉnh.

+ Được hỗ trợ thêm bằng 15% giá đất ở trung bình của các thửa đất ở liền kề.”

Theo đó, tổng giá trị bồi thường và hỗ trợ đối với đất nông nghiệp tùy theo từng loại đất khoảng 444.000 đồng/m2 đất nông nghiệp là được áp dụng đúng quy định của pháp luật và giá bồi thường, hỗ trợ phù hợp với thực tế tại địa phương.

b) Về kiến nghị giá m2 xây dựng đền bù không phù hợp

Giá m2 xây dựng đền bù được áp dụng theo Đơn giá bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng, cây trồng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên ban hành kèm theo Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của UBND tỉnh. Trường hợp, một số đơn giá vật liệu không có trong công bố giá của Liên ngành Sở Tài chính, Sở Xây dựng sẽ xem xét lấy theo đơn giá một số vật liệu lưu thông trên thị trường tại thời điểm thu hồi.

Ngoài ra, hộ gia đình đang sử dụng đất ở, có nhà ở bị thu hồi, phải di chuyển chỗ ở ngoài việc được bồi thường tài sản là nhà ở theo đơn giá bồi thường ban hành kèm theo Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của UBND tỉnh Điện Biên còn được hỗ trợ tiền làm nhà ở tại nơi tái định cư. Cụ thể:

- Hộ có 1 người được hỗ trợ tương đương 15 m2 xây dựng;

- Hộ có nhiều người thì từ người thứ 2 trở lên, mỗi người tăng thêm được hỗ trợ tương đương 5 m2 xây dựng;

- Mức hỗ trợ là 2.461.000 đồng/m2 xây dựng.”

Như vậy, việc áp dụng đơn giá đền bù tài sản trên đất đã được thực hiện theo quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

c) Về nội dung kiến nghị các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ được hỗ trợ 15%, trong khi đó hộ phi nông nghiệp lại được hỗ trợ 30% là không hợp lý

- Đối với Dự án đường 60m (áp dụng chính sách dự án thủy điện Sơn La): hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc hộ phi nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường đều được hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình trong khu vực theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 07/2008/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của UBND tỉnh.

- Đối với Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung (áp dụng Luật Đất đai năm 2013): Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp ngoài việc được bồi thường về đất còn được hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 16/5/2016 của UBND tỉnh. Cụ thể:

“Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường (trừ đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng):

- Đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở trung bình của các thửa đất ở liền kề;

- Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:

+ Ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 12/8/2015 của UBND tỉnh.

+ Được hỗ trợ thêm bằng 15% giá đất ở trung bình của các thửa đất ở liền kề.”

Theo đó, tổng mức hỗ trợ đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đều bằng 30% giá đất ở trung bình của các thửa đất ở liền kề. Vì hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 12/8/2015 của UBND tỉnh Điện Biên.

e) Về nội dung kiến nghị mức giá đền bù ao nuôi cá đối với các hộ đã xây kè kiên cố 15.000 đồng/m2 là không phù hợp

Đối với ao nuôi cá hỗn hợp ngoài việc được bồi thường chi phí đã bỏ ra đầu tư con giống và hỗ trợ phần do phải thu hoạch sớm là 15.000 đồng/m2 những hộ gia đình có ao nuôi cá đã xây kè kiên cố được bồi thường, hỗ trợ chi tiết từng hạng mục kè ao và kè chắn ao theo đơn giá quy định tại Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của UBND tỉnh Điện Biên.

Như vậy, đã tính toán bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân có ao nuôi cá đã xây kè kiên cố theo đúng hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm thu hồi.

Các nội dung kiến nghị nêu trên đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Điện Biên Phủ và UBND phường Noong Bua tổ chức đối thoại và giải quyết các kiến nghị của các hộ dân bản Phiêng Bua, phường Noong Bua tại Báo cáo số 184/BC-STNMT ngày 06/10/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

1.2. Dự án xây dựng Trường Lương Thế Vinh còn 09 hộ chưa lấy tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Do giá chi trả tiền đền bù năm 2016 thấp hơn giá đền bù năm 2013. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng mức giá đền bù như các dự án năm 2013 và sớm chi trả dứt điểm cho các hộ còn lại.

Nội dung này: Đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Văn bản số 3579/UBND-KTN ngày 07/12/2017. Theo đó UBND thành phố Điện Biên Phủ đã ban hành Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 02/3/2018 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, điều chỉnh, bổ sung dự án ĐTXD công trình Trường THPT Lương Thế Vinh, thành phố Điện Biên Phủ. Theo Báo cáo số 76/BC-UBND ngày 09/3/2018 của UBND thành phố Điện Biên Phủ, đã có 14/39 hộ gia đình và 01 tổ chức nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đối với các hộ còn lại yêu cầu UBND thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận ủng hộ thực hiện, đồng thời thông báo kết quả đến cử tri tổ dân phố 12, 17, 18, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ để biết.

1.3. Cử tri tổ dân phố 19, 20, 21, 22, phường Him Lam thuộc dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục, thể thao tỉnh giai đoạn 2002-2010 không nhất trí với nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại trang 18, 19 Báo cáo số 86/BC-UBND ngày 07/4/2017 và đoạn 2, mục 2, trang 3, Công văn số 2167/UBND-TH ngày 03/8/2017 của UBND tỉnh về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, trong và sau kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XIV. Lý do: UBND tỉnh giao UBND thành phố căn cứ các quy định hiện hành để giải quyết việc cấp GCN QSD đất, sửa chữa nhà ở đã xuống cấp theo quy định hiện hành là không phù hợp với quy định tại Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của dự án, hủy quyết định thu hồi đất để nhân dân được cấp GCN QSD đất, được sửa chữa nhà ở… theo kiến nghị tại mục 1.2 trang 2 Báo cáo số 41/BC-VHXH ngày 13/6/2017 của Ban VHXH - HĐND tỉnh. Trong trường hợp chưa bố trí được kinh phí để tiếp tục thực hiện dự án, đề nghị đầu tư đường bê tông, hệ thống thoát nước và hỗ trợ cho nhân dân trong vùng quy hoạch bị ngập lụt.

Nội dung này: Theo Nghị quyết số 81/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên về việc chấp thuận danh mục dự án cần thu hồi đất và dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và các mục đích khác năm 2018; hủy bỏ danh mục dự án cần thu hồi đất đã được HĐND tỉnh thông qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dự án Trung tâm TDTT tỉnh Điện Biên không có trong danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2017, 2018.

Hiện tại dự án không có trong Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 của tỉnh. Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri, thời gian tới UBND tỉnh sẽ giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tham mưu điều chỉnh hủy bỏ một phần quyết định thu hồi đất, giao đất cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện dự án Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Điện Biên nhưng chưa giải phóng được mặt bằng để UBND thành phố quản lý (Quyết định số 1980/QĐ-UB ngày 15/11/2002 và Quyết định số 289/QĐ-UB ngày 17/3/2003 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) về việc thu hồi đất tại địa bàn tổ dân phố 19, 20, 21 và 22 thuộc phường Him Lam, thị xã Điện Biên Phủ). Sau khi có quyết định hủy bỏ việc thu hồi đất, giao UBND thành phố Điện Biên Phủ căn cứ các quy định hiện hành để giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho người dân, sửa chữa nhà ở xuống cấp. Đồng thời, giao cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các nội dung theo kiến nghị của cử tri về nội dung đầu tư đường bê tông, hệ thống thoát nước và hỗ trợ cho nhân dân trong vùng bị ngập lụt trong thời gian dự án tạm ngừng chưa được bố trí để triển khai tiếp.

Như vậy, việc đầu tư Trung tâm TDTT của tỉnh khi hội tụ đủ điều kiện sẽ thực hiện lại từ đầu, không kế thừa các văn bản liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng tại địa bàn các tổ dân phố 19, 20, 21 và 22 thuộc phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ.

1.4. Cử tri tổ dân phố 17, phường Him Lam:

- Tại Quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 24/6/2003 của UBND tỉnh quy hoạch đường vành đai tại tổ dân phố 17, 18 phường Him Lam nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện. Ngày 29/11/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1492/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đa chức năng dọc trục đường 60m, thành phố Điện Biên Phủ nhưng chưa điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 24/6/2003. Đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định 891/QĐ-UBND để nhân dân được đảm bảo quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân.

Nội dung này: Đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện tại Văn bản số 882/UBND-KTN ngày 04/4/2017. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định trong tháng 7 năm 2018.

- Hiện tại bộ tăng âm loa đài phục vụ các hoạt động tại nghĩa trang liệt sỹ Him Lam bị hư hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ của các đoàn khách và nhân dân đến viếng. Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thay thế bộ tăng âm, loa đài mới phục vụ các đoàn khách và nhân dân đến viếng nghĩa trang liệt sỹ Him Lam.

Nội dung này: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử cán bộ kỹ thuật tiến hành bảo dưỡng, cài đặt lại hệ thống âm thanh. Đến nay, hệ thống ấm thanh đã hoạt động ổn định để đảm bảo phục vụ tốt các hoạt động viếng Nghĩa trang của các đoàn khách và nhân dân.

1.5. Cử tri phường Thanh Bình:

- Văn bản số 918/SXD-TTra ngày 11/8/2017 của Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên về việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV có nêu: dự án khu nhà ở phía Tây Nậm Rốm là dự án do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và công nghệ môi trường tỉnh làm chủ đầu tư, dự án lấy 260m2 đất của Trường tiểu học Bế Văn Đàn và nhà văn hóa cộng đồng tổ dân phố 1, 2, 3. Cử tri phường không nhất trí và đề nghị UBND tỉnh xem xét không thu hồi 110m2 của nhà văn hóa cộng đồng tổ dân phố 1, 2, 3 và 150m2 của trường tiểu học Bế Văn Đàn, vì hiện nay 3 tổ dân phố sử dụng chung 1 nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt, hội họp. Mặt khác, Trường tiểu học Bế Văn Đàn có gần 1.000 học sinh, nếu thu hồi 150m2 sẽ không có lối thoát hiểm cho giáo viên và học sinh khi có hỏa hoạn hoặc ùn tắc giao thông khi tan trường.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án đầu tư Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm được xây dựng với mục tiêu tạo ra một khu đô thị hiện đại, thân thiện môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, đất ở và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trên địa bàn; dự án sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để góp phần nâng loại thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II đến năm 2020, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Để triển khai thực hiện dự án, Sở Xây dựng thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng tại Văn bản số 734/SXD ngày 27/12/2012; UBND tỉnh chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 17/10/2013 và giao đất tại Quyết định số 442/QĐ-UBND ngày 19/5/2017.

Để xem xét nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan, cử đoàn công tác kiểm tra thực tế hiện trường, kết quả kiểm tra cho thấy:

+ Việc thu hồi đất của Nhà văn hóa cộng đồng tổ dân phố 1, 2, 3 là phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, diện tích đất thu hồi là phần sân với diện tích 115 m2, phần còn lại vẫn đảm bảo điều kiện cần thiết để Nhà văn hóa cộng đồng tổ dân phố 1, 2, 3 hoạt động bình thường.

+ Việc thu hồi 151,8m2 đất của Trường tiểu học Bế Văn Đàn trong dự án dự án đã tính toán, thiết kế 01 lối thoát hiểm từ nhà trường ra hệ thống đường nội thị của khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm đảm bảo theo quy định.

- Hiện nay một số thanh gỗ lát sàn của cầu Mường Thanh bị gãy, mục gây nguy hiểm cho người qua lại, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Di tích cầu Mường Thanh là di tích thành phần thuộc Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Sở, ngành chức năng kiểm tra, rà soát xây dựng phương án khắc phục sửa chữa các công trình, các điểm di tích phục vụ 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và các ngày Lễ lớn của tỉnh Điện Biên. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ dự án trình các Sở, ngành chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, công trình thực hiện sửa chữa hoàn thành trong năm 2018. Nguồn vốn thực hiện đã được UBND tỉnh bố trí tại Quyết định 970/QĐ-UBND ngày 25/10/2017.

1.6. Cử tri các phường trên địa bàn thành phố: Đề nghị UBND tỉnh xem xét lại cách tính giá nước sinh hoạt của nhân dân thành phố như hiện nay cao, chất lượng chưa tương xứng, đục, chưa thực sự đảm bảo cho người tiêu dùng.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Về quản lý chất lượng nước sinh hoạt: UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo Công ty cổ phần cấp nước Điện Biên chú trọng tới chất lượng nước cung cấp cho nhân dân. Định kỳ hàng quý, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nước. Qua công tác kiểm nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng cho thấy tất cả các chỉ tiêu về tiêu chuẩn chất lượng đều đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần cấp nước Điện Biên đã xây dựng quy trình và thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nước hàng ngày, nếu đạt yêu cầu mới cấp vào hệ thống cấp nước cho người tiêu dùng. Đối với hệ thống đường ống cấp nước ở các địa bàn trong thành phố và vùng phụ cận, hàng tuần Công ty tiến hành lấy mẫu để kiểm định chất lượng nước 01 lần. Qua công tác lấy mẫu kiểm định cho thấy cơ bản chất lượng nước đều đạt yêu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở một số nơi chất lượng nước bị vẩn đục cục bộ, thời gian nước bị vẩn đục ngắn. Nguyên nhân là do thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải; đầu tư nâng cấp vỉa hè đường phố, tại một số điểm thi công làm hư hỏng, bục vỡ hệ thống đường ống cấp nước nên bùn đất tràn vào đường ống cấp nước. Một số nơi trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại hệ thống đường ống lắp đặt từ nhiều năm trước, chất lượng xuống cấp nên hay xảy ra sự cố bung bục. Mặt khác, đặc thù của hệ thống cấp nước là công trình ngầm nên khi có sự cố bung bục rất khó phát hiện. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty cổ phần cấp nước Điện Biên đã và đang tiến hành cải tạo, thay thế, nâng cấp hệ thống đường ống cấp nước chất lượng cao để ổn định chất lượng nước cung cấp cho người tiêu dùng.

Về giá nước: Việc xây dựng, ban hành giá nước thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn; theo đó, giá tiêu thụ nước sạch phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ (bao gồm cả chi phí duy trì đấu nối) để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành và lợi nhuận định mức hợp lý của khối lượng nước thương phẩm do các tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc thực hiện tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn và bán lẻ nước sạch (gọi tắt là đơn vị cấp nước) theo quy định của Quy chế tính giá do Nhà nước ban hành. Mặt khác, giá bán nước sạch cho sinh hoạt hiện nay trên địa bàn không cao hơn giá tối đa của khung giá do Bộ Tài chính quy định và còn thấp so với các tỉnh lân cận trong khu vực, giá bán nước sạch cho sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tương đối phù hợp.

(còn nữa)

 

BBT

 

.