Trả lời kiến nghị cử tri

Thứ Bảy, 21/07/2018, 16:09 [GMT+7]

Điện Biên TV - UBND tỉnh tiếp tục trả lời kiến nghị của cử tri các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa, Mường Nhé và huyện Điện Biên.

2. Cử tri huyện Mường Chà kiến nghị

Việc chi trả chế độ hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ (100.000 đồng/học sinh/tháng) chậm, đến nay học kỳ 2 của năm học 2016-2017 và các tháng đầu năm học 2017-2018 chưa được chi trả. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện việc chi trả cho học sinh đảm bảo thời gian theo quy định.

Nội dung này: Ngày 27/10/2017 Bộ Tài chính có Văn bản số 14539/BTC-NSNN thông báo tạm cấp 80% nhu cầu kinh phí thực hiện năm 2017 cho tỉnh; trên cơ sở đó, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân bổ nhu cầu. Ngày 14/12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1247/QĐ-UBND về việc bổ sung kinh phí năm 2017 cho các đơn vị để thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đến ngày 31/01/2018 toàn bộ kinh phí được phân bổ (80% nhu cầu) đã được chi trả cho các đối tượng học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Hiện nay, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tổng hợp kết quả thực hiện để báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Tài chính cấp tiếp 20% kinh phí còn lại của năm 2017.

3. Cử tri huyện Tủa Chùa kiến nghị

Hiện nay, Trường THCS Lao Xả Phình đã có bếp nấu ăn cho học sinh dân tộc bán trú, song chưa có nhà ăn. Đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí xây dựng nhà ăn cho học sinh.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Việc đầu tư nhà ăn cho học sinh dân tộc bán trú Trường THCS Lao Xả Phình là cần thiết, UBND tỉnh tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, giao cho UBND huyện Tủa Chùa xem xét cân đối kinh phí để đầu tư nhà ăn cho Trường THCS Lao Xả Phình trong năm học tiếp theo.

4. Cử tri huyện Mường Nhé kiến nghị

4.1. Từ năm học 2016-2017 đến nay, các cháu sinh viên đi học tại trường Đại học Y Thái Bình theo chế độ cử tuyển chưa được nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Đề nghị tỉnh quan tâm, sớm chi trả chế độ các cháu theo quy định.

Về nội dung này: UBND tỉnh đã có Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 31/5/2017 về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ do chuyển giao nhiệm vụ Thường trực Hội đồng cử tuyển của tỉnh. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, sau khi có quyết định của UBND tỉnh Sở Nội vụ đã chủ động liên hệ với các cơ sở giáo dục để ký Hợp đồng đào tạo cử tuyển, tuy nhiên thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm nghỉ hè của nhà trường, do vậy trong thời gian cuối năm 2017 các Trường mới ký hợp đồng với Sở Nội vụ nên một số trường chưa kịp thời chi trả chế độ trợ cấp cho sinh viên cử tuyển.

Riêng đối với Trường Đại học Y dược Thái Bình, để kịp thời chi trả đầy đủ các quyền lợi của học sinh theo chế độ cử tuyển (bao gồm tiền học bổng, trợ cấp tiền ăn, ở, đi lại, mua sách vở, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế, chỗ ở ký túc xá), ngày 18/9/2017 Sở Nội vụ đã thực hiện chuyển khoản (có đầy đủ chứng từ là giấy rút tiền dự toán ngân sách) cho Trường Đại học Y Dược Thái Bình, đến nay qua trao đổi với Nhà trường và các học sinh cử tuyển của tỉnh học tại Trường Đại học Y dược Thái Bình thì toàn bộ các học sinh học tại đây đã nhận đầy đủ chế độ cử tuyển theo quy định.

4.2. Cử tri bản Gia Chứ, xã Leng Su Sìn và bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu: Đề nghị sớm cấp đất sản xuất cho các hộ gia đình theo Đề án 79 của Chính phủ

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau:

- Đối với Bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé:

+ Điểm bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, đến thời điểm hiện tại đã sắp xếp, bố trí và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 20/20 hộ, đạt 100% mục tiêu của phương án về quy mô số hộ, đã đầu tư hoàn thành cơ bản về cơ sở hạ tầng (đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà lớp học) và đang thực hiện để người dân ổn định đời sống, sản xuất.

 + Đối với nội dung bố trí đất (đất ở và đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp): Theo phương án sắp xếp, ổn định dân cư được phê duyệt, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 71,32 ha (bình quân 2,96ha/hộ); đất lâm nghiệp là 238,7 ha; đất phi nông nghiệp là 10,05 ha trong đó đất ở nông thôn là 02 ha (bình quân 833 m2/hộ). Đến nay đã bố trí, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 20/20 hộ, bình quân 800 m2/hộ. Đối với đất sản xuất nông nghiệp không phải thực hiện công tác thu hồi, đền bù nhưng phải thực hiện giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở hiện trạng đất hiện có của người dân. Tuy nhiên, còn 4,5 ha đất sản xuất nông nghiệp (là diện tích đất sản xuất thuộc phạm vi tưới của công trình thủy lợi đã được đầu tư) nằm trên vị trí đất rừng sản xuất của xã Sen Thượng, phần diện tích này thuộc diện phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo phương án điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng đang trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định. Do đó, trước mắt, để đảm bảo diện tích đất sản xuất cho các hộ dân, UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ đầu tư thực hiện rà soát, đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp không chồng lấn về phạm vi, ranh giới hành chính giữa hai xã Sen thượng và xã Sín Thầu, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phương án điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, thì tổ chức giao đất cho người dân; đảm bảo mức diện tích đất sản xuất bình quân theo chính sách của Đề án.

- Đối với Bản Gia chứ, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé:

+ Đến nay, đã thực hiện di chuyển, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho 20/22 hộ; đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng (đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình: Đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà lớp học) và đang tiến hành thực hiện hỗ trợ đời sống, hỗ trợ sản xuất cho người dân.

+ Đối với nội dung bố trí đất: Đến nay đã bố trí đất ở cho 20/22 hộ. Đối với đất sản xuất, theo phương án sắp xếp, ổn định dân cư được phê duyệt, Bản Gia Chứ bố trí, sắp xếp ổn định cho các hộ dân cư cư trú tại 2 bản Suối Voi và Phứ Ma là các hộ đã có đất sản xuất tại khu vực Gia Chứ. Phương án bố trí đất sản xuất của điểm bản là cơ cấu lại diện tích đất; thực hiện hỗ trợ sản xuất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không can thiệp thu hồi đất hiện có của người dân để phân chia lại.

+ Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư kiến nghị đền bù toàn bộ diện tích đất sản xuất (80,71 ha) nguyên nhân do thời điểm khảo sát lập phương án không xác định chủ sở hữu diện tích đất thuộc quy hoạch đất sản xuất và dẫn đến chưa giao được đất cho người dân. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư: (1) Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện xây dựng phương án không đảm bảo tính sát thực, sai lệch số liệu, hiện trạng dẫn đến không đảm bảo cơ sở để thực hiện phương án khi triển khai; kiểm điểm công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa cụ thể là phạm vi diện tích đất thuộc phương án nêu trên. (2) Rà soát lại toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi quy hoạch của điểm bản, đối chiếu với phương án điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng và quy hoạch sử dụng đất thuộc phạm vi phương án. Khẩn trương thực hiện xây dựng phương án điều chỉnh trình cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt trên cơ sở đảm bảo phù hợp phương án điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng và quy hoạch sử dụng đất thuộc phạm vi điểm bản; thực hiện kiểm đếm, xác định quyền sở hữu đối với diện tích đất thuộc phạm vi quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đền bù để thu hồi để trình thẩm định, phê duyệt phương án theo quy định.

5. Cử tri huyện Điện Biên kiến nghị

5.1. Cử tri xã Noong Hẹt:

- Hiện nay, trên tuyến Quốc lộ 12 kéo dài, đoạn từ ngã ba chợ Bản Phủ vào đền Hoàng Công Chất: hơn 20 hộ dân tự ý đào rãnh thoát nước, làm hư hỏng đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đề nghị Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý, kiểm tra, xử phạt đối với những hộ dân vi phạm

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tiếp thu ý kiến của cử tri, ngày 06/02/2018, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp cùng UBND xã Nong Hẹt và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và quản lý đường bộ II Điện Biên kiểm tra thực tế tại hiện trường tuyến QL.12, đoạn từ cầu Nậm Thanh đến ngã 3 giao với QL.279. Qua kiểm tra cho thấy, có tổng số 11 vị trí người dân tự ý đào cắt qua đường đặt đường ống nước thải sau đó hoàn trả lại bằng kết cấu Bê tông xi măng (thời gian xẩy ra vi phạm năm 2015). Việc đào cắt đường của các hộ dân là do tự phát, không xin cấp phép và chưa được sự chấp thuận của đơn vị quản lý đường.

Sở Giao thông Vận tải đã làm việc cụ thể với UBND xã Noong Hẹt và đề nghị UBND xã thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể nhân dân trong xã sinh sống dọc các tuyến đường các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đặc biệt là quy định về nhóm các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu nhân dân nghiêm túc chấp hành các quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nếu còn tiếp tục vi phạm sẽ thực hiện xử lý theo quy định.

- Việc hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký đất đai (thí điểm tại huyện Điện Biên, TP Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Lay) gây khó khăn cho UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo các đầu việc liên quan trực tiếp đến giải phóng mặt bằng và khó khăn cho nhân dân khi đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc đăng ký quyền sử dụng đất, vì hiện nay cán bộ tổ chức này trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường. Đề nghị UBND tỉnh có hướng giải quyết, khắc phục tình trạng trên.

Về nội dung này: Thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTN&MT-BNV, Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTN&MT-BNV-BTC và Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BTN&MT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, tỉnh đã thực hiện thí điểm việc hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký đất đai về Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý đối với 03 đơn vị, gồm: Thành phố Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Lay và huyện Điện Biên. Sau hơn 01 năm thí điểm cho thấy các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất đã thực hiện công tác phối hợp với các phòng, ban chuyên môn có liên quan thuộc UBND huyện và UBND xã theo hướng tập trung thu gọn đầu mối, thống nhất chuyên môn nghiệp vụ dưới sự chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đã tiếp tục tham mưu có hiệu quả hoạt động đăng ký đất đai, triển khai thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận của địa phương; giải quyết nhiều tồn tại trong công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; khai thác, quản lý quỹ đất theo chức năng, nhiệm vụ.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn trong việc chỉ đạo điều hành, phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị và khó khăn cho UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo các đầu việc liên quan trực tiếp đến giải phóng mặt bằng, khó khăn cho nhân dân khi đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đăng ký quyền sử dụng đất như cử tri đã kiến nghị.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trước mắt UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố Điện Biên Phủ, UBND Thị xã Mường Lay, UBND huyện Điện Biên và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp tích cực tham mưu thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ. Đối với Tổ chức phát triển quỹ đất, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có việc chuyển Tổ chức phát triển quỹ đất về trực thuộc UBND cấp huyện quản lý; đồng thời kiến nghị với Trung ương, Chính phủ xem xét, chuyển các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai về trực thuộc UBND cấp huyện quản lý như trước đảm bảo thuận tiện cho UBND cấp huyện phát huy sự chủ động trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, cũng như trong công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn và cấp chính quyền cơ sở, thuận lợi cho người dân.

5.2. Cử tri xã Thanh Xương kiến nghị:

- Chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên (theo Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 13/3/2014 của UBND tỉnh) còn hạn chế nhất định, giống lúa được hỗ trợ không đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế không cao. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, thay đổi nội dung hỗ trợ và cách thức hỗ trợ giống cây sang hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả hơn.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau:

Để khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 tại Quyết định số 212/QĐ-UBND ngày 25/3/2015, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1171/UBND-KTN ngày 03/5/2017 giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 13/3/2014 về chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 về định mức vật tư và mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo xong chính sách, đang gửi xin ý kiến của các Sở, ngành, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh. Nội dung chính sách được dự thảo theo hướng hỗ trợ tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực của tỉnh, để tạo thành các sản phẩm hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Riêng chính sách hỗ trợ đối với các cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Luật Phòng, chống thiên tai và quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 ban hành Quy định mức hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

- Hiện tại, xã Thanh Xương mới có 02/42 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm cấp kinh phí để hỗ trợ các đối tượng còn lại theo quy định.

Về nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Điện Biên được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 610/QĐ-UBND ngày 29/8/2013, với tổng số hộ cần được hỗ trợ xây dựng nhà ở là 1.773 hộ, số tiền cần Trung ương hỗ trợ là 47.320 triệu đồng. Trong đó nguồn vốn để thực hiện Đề án là nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2015, Bộ Tài chính đã có 03 đợt tạm cấp kinh phí cho tỉnh Điện Biên để thực hiện Đề án với tổng kinh phí là 6.220 triệu đồng. UBND tỉnh đã phân bổ toàn bộ nguồn kinh phí để các địa phương triển khai hoàn thành việc hỗ trợ cho 235 hộ (trong đó hỗ trợ xây mới 76 nhà; cải tạo, sửa chữa 159 nhà).

Tổng số hộ cần được hỗ trợ xây dựng nhà ở còn lại của Đề án là 1.538 hộ (trong đó hỗ trợ xây mới 517 nhà; cải tạo, sửa chữa 1.021 nhà). Tổng số tiền cần hỗ trợ là 41.100 triệu đồng. Ngày 06/11/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 9065/BKHĐT-KTĐPLT thông báo bố trí cho tỉnh Điện Biên năm 2018 là 41,1 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ nhà ở đối với người có công. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 08/02/2018 phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở cho các huyện, thị xã và thành phố để thực hiện công tác hỗ trợ. Vì vậy, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đảm bảo hoàn thành dứt điểm công tác hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn trong năm 2018; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng và giải ngân thanh toán kinh phí hỗ trợ; đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện công bằng, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng công trình theo quy định và tuân thủ đúng các quy định hiện hành.

- Quốc lộ 279, đoạn qua C17, Bom La, Bản Ten luôn có số lượng phương tiện tham giao thông lớn, tuy nhiên có rất nhiều xe trọng tải lớn dừng, đỗ không đúng quy định, gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh sớm có các biện pháp giải quyết và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Đoạn đường qua C17, Bom La, Bản Ten thuộc Km83 - Km85, QL279; tại đoạn tuyến này tập trung nhiều đại lý bán hàng, xưởng sửa chữa xe ô tô dẫn đến tình trạng có các phương tiện giao thông thường xuyên dừng, đỗ để bốc dỡ hàng, sửa chữa xe. Vì vậy, Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên và tuyên trường nhắc nhở, ký cam kết và tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm, tuy nhiên đoạn đường này không có biển cấm đỗ, cấm dừng nên còn khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Để phòng ngừa tai nạn giao thông, trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát thường xuyên, tuyên truyền nhắc nhở và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Giao Sở Giao thông Vận tải làm việc cụ thể với Chi cục Quản lý đường bộ I.2 và các đơn vị có liên quan, khảo sát những bất hợp lý trong tổ chức giao thông tại đoạn đường từ Km83 - Km85, QL279. Trên cơ sở đó báo cáo cụ thể Tổng Cục đường bộ Việt Nam để có giải pháp khắc phục đảm bảo theo quy định hiện hành.

5.3. Cử tri xã Noong Luống:

- Không nhất trí nội dung trả lời kiến nghị cử tri của Sở Công Thương tại Báo cáo trả lời số 32/BC-SCT ngày 08/01/2016. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương tiếp tục làm việc với Công ty Điện lực I xác nhận hồ sơ lưu về công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến lưới điện từ xã Noong Luống đi xã Pa Thơm để có cơ sở xem xét bồi thường cho các hộ dân có đất, tài sản trên đất bị thu hồi chưa được bồi thường.

Về nội dung này: Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 128/SCT-TTr ngày 25/01/2018 đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc phối hợp giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 trước kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa XIV về nội dung trên. Tuy nhiên đến nay, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc không thực hiện nghiêm túc công tác phối hợp và không có văn bản trả lời theo yêu cầu. UBND tỉnh giao Sở Công thương tiếp tục liên hệ để làm việc cụ thể với Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc nhằm giải quyết nội dung kiến nghị của cử tri trong thời gian tới.

- Hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu khu bản Nôm xuống Trạm bơm Nậm Thanh, khu Huổi Nôm đến khu Năm Tấn đã xuống cấp; Trạm bơm Nậm Thanh đã bị hư hỏng không hoạt động, ảnh hưởng đến việc sản xuất hơn 10 ha diện tích lúa nước của nhân dân; kênh mương dẫn nước tưới tiêu từ Trạm bơm Nậm Thanh đến đội 5 bị rò rỉ, một lượng nước lớn chảy tràn ra đường, gây ngập úng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, trong khi đó nhiều diện tích ruộng không đủ nước tưới, bị khô hạn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Thủy nông quan tâm xây dựng và sửa chữa các công trình nêu trên, đồng thời xây dựng mương dẫn nước từ hồ bản Nôm xuống khu C8 (giáp đội 21, xã Noong Luống) để phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu lũ cho suối Huổi Sen khi mùa mưa đến.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Để có cơ sở xem xét, trả lời kiến nghị cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên, UBND xã Noong Luống, huyện Điện Biên tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng công trình, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp xử lý, cụ thể: 

- Tuyến kênh dẫn nước từ trạm bơm Nậm Thanh xuống khu bản Nôm, khu Năm Tấn, Đội 5 xã Noong Luống: Kết quả kiểm tra cho thấy tuyến kênh được đưa vào sử dụng từ năm 2010, đến nay khi kênh tải đầy nước thì tại một số đoạn kênh bị bong tróc và thẩm thấu nước từ trong kênh ra tuyến đường giao thông (đoạn vào UBND xã Noong Luống). Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên đã sửa chữa được đoạn kênh qua khu dân cư chỗ ngã tư, hiện tại còn đoạn cuối xuống Bản Nôm chưa được sửa chữa. Mặt khác, vào mùa mưa do hệ thống thoát nước bên đường bằng đất (tuyến đường giao thông từ ngã ba Bản Phủ đi UBND xã Noong Luống) nhiều đoạn bị co hẹp và bồi lấp nên xảy ra hiện tượng nước chảy tràn ra đường tại một số chỗ bị trũng. Vì vậy, Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên đã chủ động xây dựng các giải pháp, kế hoạch sửa chữa hư hỏng, cụ thể như sau:

+ Đối với một số đoạn kênh bị bong tróc: Thực hiện sửa chữa sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân 2017-2018 (dự kiến tháng 5 năm 2018).

+ Đối với đoạn kênh từ Trạm bơm Nậm Thanh xuống khu bản Nôm, khu Năm Tấn, Đội 5 bị thẩm thấu nước ra đường giao thông tại một số vị trí bị trũng: Làm cống tiêu thoát nước cách cửa tưới E5 khoảng 120 mét về phía trạm bơm, tiêu nước từ phía đường giao thông khi mùa mưa lũ (dự kiến thực hiện trong tháng 5 năm 2018).

+ Đối với đoạn kênh đất thuộc quản lý của UBND xã Noong Luống: Để giải quyết triệt để lượng nước tràn ra đường, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Điện Biên chỉ đạo UBND xã thực hiện sửa chữa, khơi thông hệ thống thoát nước bằng đất bên đường trước mùa mưa lũ.

- Đối với nội dung Trạm Bơm Nậm Thanh đã hư hỏng không hoạt động, ảnh hưởng đến việc sản xuất hơn 10 ha lúa nước của nhân dân: Nội dung này UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra thực tế, đề xuất giải pháp xử lý. Ngày 16/02/2018, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra khả năng vận hành của các máy bơm tại trạm bơm Nậm Thanh, kết quả cả 03 máy bơm tại Trạm đều hoạt động bình thường, hiện tại Trạm bơm đang phục vụ tưới vụ chiêm xuân 2017-2018. Theo ý kiến của Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên: Mỗi khi bơm nước phục vụ nhân dân, Công ty đều nhận được Tờ trình của Ban nông nghiệp xã, sau đó Công ty đều có ghi chép nhật ký bơm đầy đủ.

- Đối với nội dung đề nghị xây dựng tuyến kênh dẫn nước từ hồ bản Nôm xuống khu Sơ Tán (khu C8): Tuyến kênh này thuộc trách nhiệm quản lý của UBND xã Noong Luống, kênh dẫn nước từ hồ bản Nôm xuống khu Sơ Tán là kênh đất, có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho suối Huổi Sen và khu bản Nôm khi vào mùa mưa lũ. Về mùa khô tuyến kênh này lấy nước từ hồ Cô Lôm dẫn nước tưới cho khu Sơ Tán (giáp đội 21 xã Noong Luống). Để xem xét nâng cấp tuyến kênh, yêu cầu UBND huyện Điện Biên chỉ đạo UBND xã Noong Luống báo cáo đề xuất UBND huyện xem xét, đầu tư kiên cố hóa kênh mương cấp 3 hoặc lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng (ví dụ: Chương trình nông thôn mới,...).

(còn nữa)

 

BBT

 

.