Tinh giản biên chế: Khó xây dựng khung năng lực vị trí việc làm
Việc khó nhất trong 7 bước xác định vị trí việc làm là mô tả công việc của công chức.
Từ ngày 1/4/2018, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành quyết định thí điểm bố trí sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức ngành quản lý xây dựng Đảng gắn với vị trí việc làm, làm căn cứ để cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, đảm bảo đúng người, đúng việc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc xác định vị trí việc làm đã phát sinh nhiều vướng mắc.
Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. (Báo: Long An). |
Tỉnh Bắc Giang đang triển khai thí điểm xác định vị trí việc làm tại 2 sở và 2 huyện. Vị trí việc làm, khung năng lực của cán bộ công chức được thống kê từ thông tin công việc, phân nhóm công việc, xác định yếu tố ảnh hưởng và thực trạng của cán bộ công chức trong mỗi cơ quan, đơn vị. Những kết quả bước đầu mà Bắc Giang đạt được là giảm 46 vị trí việc làm trong tổng số 316 danh mục mà Bộ Nội vụ giao. Việc xác định biên chế công chức đến năm 2021 của địa phương này cũng giảm 10%, tương đương với 222 chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc khó nhất trong 7 bước xác định vị trí việc làm là mô tả công việc của công chức.
Ông Khuông Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết: Do xây dựng vị trí việc làm trên cơ sở thống kê công việc, vẫn chưa được lượng hóa nên không có cơ sở khoa học để xác định số biên chế và số việc làm. Vì vậy, chưa khắc phục được tình trạng các cơ quan, đơn vị khi xây dựng đề án đều muốn tăng biên chế: “Tất cả các sở, ngành cũng như các huyện, thành phố đều muốn tăng biên chế chứ không muốn giảm. Ít nhất cũng muốn giữ nguyên. Có đơn vị xây dựng đề án đến 5-7 lần nhưng chúng tôi cương quyết là phải giảm 10% theo mục tiêu của chính phủ”.
Tại một số địa phương, nhiều cán bộ, công chức chưa nhận thức đúng về việc xác định vị trí việc làm. Nhiều người lao động lo ngại sẽ bị tinh giản biên chế khi thực hiện đề án này nên chây ì không thực hiện thống kê công việc.
Thực tế cho thấy, có 3 khả năng có thể xảy ra khi bố trí sử dụng công chức theo vị trí việc làm, đó là: công chức hàng năm liên tục được đánh giá hoàn thành công việc và được điều chuyển hoặc phân công lại để đảm nhiệm hết các công việc của vị trí việc làm chuyên môn. Nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và năng lực phù hợp có thể được bố trí đảm nhiệm công việc của vị trí việc làm chuyên môn có ngạch công chức cao hơn.
Trong trường hợp công chức có 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế thì có thể xem xét cho thôi việc theo quy định hiện hành. Nếu trong tổ chức, vị trí việc làm chuyên môn đó không có công việc, có thể tùy theo khối lượng công việc của các vị trí việc làm chuyên môn có ngạch thấp hơn của tổ chức để điều chuyển, đồng thời xếp lại ngạch tương ứng với vị trí việc làm đó, hoặc cho thôi việc dạng tinh giản biên chế. Đây là những vấn đề cần được xem xét để áp dụng cho phù hợp trong thời gian tới.
Ông Hồ Đăng Tài, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An nêu ý kiến: “Việc xác định vị trí việc làm này cũng trùng với quan điểm của Hội nghị Trung ương 6, nhưng cách làm như thế nào, nhất là khối đơn vị Nhà nước là chưa chịu làm. Để làm được thì cũng đòi hỏi sự hướng dẫn của cấp trên với từng việc, từng ngành cụ thể, chứ không là rất vướng. Chúng tôi xác định vị trí việc làm phải độc lập với số người hiện tại của từng cơ quan, đơn vị. Những con người hiện tại vẫn có việc làm, vẫn có lương, không ai phải nghỉ hưu, không ai phải cho về trước tuổi”.
Nghị quyết 27 của hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương cũng xác định “Khẩn trương xây dựng vị trí việc làm”, coi đây là giải pháp căn bản, mang tính tiền đề để cải cách tiền lương. Đối với các đơn vị, địa phương, khi xây dựng vị trí việc làm đối với công chức phải đạt được các yêu cầu như: Có tính hệ thống, tương đối ổn định trong quá trình thay đổi, tinh gọn bộ máy; phải có tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ; mỗi vị trí việc làm chuyên môn bao gồm những công việc đặc trưng, cần xem xét mức độ phức tạp tương ứng với ngạch bậc công chức.
Ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói: “Bảng mô tả vị trí việc làm trong công chức trong cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội rất cần rà soát lại khung năng lực của từng vị trí việc làm do các ngành dự thảo để điều chỉnh lại vị trí việc làm cho phù hợp, tránh trùng lặp và đảm bảo tính thống nhất giữa các ngành”.
Để việc xác định vị trí việc làm của công chức đạt hiệu quả, các nhà khoa học cho rằng, cần có tiêu chí “khung năng lực về vị trí việc làm”, trong đó có năng lực có thể đo lường được và có thính khả thi. Thời gian qua, nhiều địa phương đã bổ nhiệm cấp phó các phòng, ban, chi cục quá số lượng quy định. Việc xác định vị trí việc làm sẽ khắc phục được thực trạng này. Khung năng lực vị trí việc làm công chức trong cơ quan Đảng, đoàn thể nên đưa ra những năng lực cốt lõi, chủ chốt để áp dụng chung thống nhất trên toàn quốc. Dựa vào điều kiện cụ thể từng địa phương, cơ quan, khung năng lực có thể được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh sau khi đã được thống nhất với các cấp có thẩm quyền./.
Theo VOV