Tăng lương tối thiểu vùng: Các bên bất đồng quan điểm

Thứ Ba, 10/07/2018, 07:20 [GMT+7]

Trong khi TLĐLĐ VN đề xuất tăng lương không dưới 8% thì VCCI lại cho rằng không nên tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo “sức” cho doanh nghiệp.
 
Chiều ngày (9/7), Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên, đàm phán về mức lương tối thiểu vùng 2019, tuy nhiên vẫn chưa thể đi đến thống nhất cuối cùng.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, đại diện phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, sau khi tập hợp ý kiến, đa số các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng chưa nên tăng lương tối thiểu vùng.
 

1
Toàn cảnh cuộc thương lượng giữa các bên.


Việc không tăng lương tối thiểu nhằm “bồi dưỡng” sức doanh nghiệp, dồn nguồn lực tài chính cho hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động, từ đó tăng năng suất lao động.

“Khu vực công 10 năm cũng mới chỉ tăng lương 3 lần, nhưng khu vực doanh nghiệp lại tăng liên tục trong các năm qua. Lương tối thiểu chỉ là mức sàn cuối cùng để bảo vệ người lao động. Hiện nay mức lương này đã dần tiệm cận, đáp ứng được 90% mức sống tối thiểu”.

Ông Phòng cũng cho rằng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng cần điều chỉnh thêm một số thông tin cho phù hợp thực tế.

“Khi tính toán mức sống sống tối thiểu của đối tượng được điều chỉnh tăng lương, cần bóc tách rõ. Không phải mọi người lao động từ 18 tới dưới 30 tuổi đều lập gia đình. Sẽ có những người sau độ tuổi đó mới lập gia đình. Vì vậy cần tính mức chi phí bình quân sao cho phù hợp” - ông Hoàng Quang Phòng dẫn chứng.

Kết thúc phiên họp đầu tiên, đại diện phía người sử dụng lao động vẫn không đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng.

Ở một diễn biến khác, đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) cũng đang kiên định với mức tăng trên 8%.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (TLĐLĐ Việt Nam) cho rằng, tình hình kinh tế năm 2018 có nhiều khởi sắc, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng. Nhìn tổng thể, mức lương của lao động được cải thiện hơn so với năm 2016, 2017, nhưng vẫn còn rất nhiều công nhân có đời sống khó khăn. Theo đó, ông Thọ hy vọng mức sống của người lao động tiếp tục được cải thiện. Vị này cho biết, TLĐLĐ VN đề xuất mức tăng không dưới 8%.

Con số này đã được tính toán dựa trên chỉ số trượt giá (CPI), cộng với việc tăng năng suất lao động, mức chênh lệch giữa nhu cầu sống tối thiểu và mức lương tối thiểu. Ông Thọ đặt giả sử, ngay cả khi chưa tính đến bù đắp chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, chỉ tính riêng năng suất lao động tăng, tỷ số trượt giá khoảng 4% cũng đã khoảng 7,5%.

Theo ông Thọ, Nghị quyết Trung ương Đảng đã nêu rõ đến năm 2020 phải đảm bảo mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu. Như vậy, nếu năm 2019 không tăng, đến năm 2020 mức tăng sẽ đội lên rất cao.

Đồng quan điểm, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam cho biết: “Chỉ số CPI hiện nay là 4%, chưa kể đến việc GDP năm nay tăng trên 7%, thì người lao động cũng cần được hưởng kết quả này. Tổng liên đoàn rất chia sẻ với doanh nghiệp nhưng ít nhất năm nay cũng phải ở mức 8%. Khu vực Nhà nước, Chính phủ đã tăng lương thêm 7%, thì ít nhất doanh nghiệp cũng bằng mức này, chứ không thể thấp hơn”.

Ông Mai Đức Chính cũng lưu ý bộ phận kỹ thuật  của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng cần tính toán lại một số yếu tố của mức sống tối thiểu sao cho sát thực tế.

“Với tính toán ban đầu của bộ phận kỹ thuật, giá phòng trọ của công nhân là 250.000 đồng/người là phi thực tế. Hiện nay, tiền thuê nhà cũng phải từ 800.000-1000.000 đồng, chưa kể tới tiền điện nước”, ông Chính nói.

Mức tăng lương tối thiểu khó có thể bằng năm ngoái?

Đại diện cho cơ quan Nhà nước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho hay, kết thúc phiên thảo luận đầu tiên, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
 
Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán dựa trên nhu cầu về lương thực, thực phẩm, chỉ số CPI, đề xuất tăng từ 8,4-10,4% từ nay đến năm 2020. Mức độ tăng có thể chia đều ra các năm hoặc năm sau bù năm trước.

Ông Diệp cho biết, trong thương lượng của hội đồng tiền lương quốc gia luôn chia thành 2 cực.

"TLĐLĐ VN luôn mong muốn đời sống người lao động được cải thiện, đề xuất mức tăng khá cao. Người sử dụng lao động luôn muốn tăng ở mức thấp, thậm chí là không tăng  để cải thiện năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, Nhà nước vừa muốn cải thiện đời sống người lao động, mặt khác muốn nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Chắc chắn 2 bên sẽ phải đi đến phương án như năm ngoái. Năm ngoái mức thỏa thuận ban đầu là 13% và 0%, cuối cùng vẫn tiến đến phương án là 6,7-6,8% và chốt là 6,5%. Nhà nước không thể can thiệp thô bạo vào quá trình thương lượng. Tùy theo tiến trình thương lượng, thỏa thuận có thể thúc đẩy việc này. Mức tăng năm nay khó có thể bằng với năm ngoái. Hiện nay còn rất nhiều rủi ro khác, chỉ số CPI tăng, song doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro, trong bối cảnh đó, cả doanh nghiệp và người lao động đều cần chia sẻ với nhau”, ông Diệp nhấn mạnh.

Kết thúc phiên đàm phán thứ nhất, các bên đều chưa chấp thuận đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2019 là 5,3%.

Dự kiến phiên thảo luận tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 7. /.

 

 

Theo VOV

.