Nông dân phát huy vai trò chủ thể bảo vệ môi trường nông thôn
Điện Biên TV - Đảm bảo môi trường nông thôn là một trong các tiêu chí khó của chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM. Để đảm bảo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp và vệ sinh an toàn thực phẩm, nông dân chính là người đóng vai trò chủ thể. Hai năm gần đây, nhiều địa phương đã có những biện pháp quyết liệt để nâng cao ý thức người dân nông thôn trong việc bảo vệ môi trường. Trong các hoạt động bảo vệ môi trường, nông dân đóng vai trò là lực lượng nòng cốt và đông đảo.
Ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến sức khỏe cũng như hoạt động sản xuất của người dân. Sinh sống và tác động trực tiếp đến môi trường nông thôn, nông dân là người có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường, nơi mình đang sinh sống. Làm thế nào để công tác bảo vệ môi trường không chỉ trở thành phong trào mà còn đi vào nếp nghĩ, thói quen hàng ngày của bà con nông dân, đó là điều nhiều địa phương đang tích cực thực hiện.
Xác định xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp, là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, xã Ẳng Nưa đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để đảm bảo tiêu chí này.
Tới các thôn bản của xã Ảng Nưa, thay đổi mà ai cũng có thể nhận ra, là những con đường bê tông sạch đẹp, nhà cửa, chuồng trại được người dân quy hoạch gọn gàng và một bầu không khí rất trong lành. Khẩu hiệu “vì môi trường sạch ”được treo ở các khu vực tập trung đông dân cư, như một cách nhắc nhở mỗi người dân nêu cao ý thức chung tay bảo vệ môi trường.
Một góc bản Na Luông, xã Ẳng Nưa. |
Phong trào nông dân vì môi trường, do hội viên hội Nông dân làm nòng cốt, đã có tác động không nhỏ làm thay đổi ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Để giữ được không khí trong lành và vẻ đẹp cho đường làng, ngõ xóm, bà con nông dân trong xã thực hiện tốt quy định về “Ngày thứ bảy xanh”. Cứ vào thứ Bảy hàng tuần, bà con nông dân lại cùng nhau vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Phong trào được xã triển khai cách đây một năm, đã trở thành nếp quen của người dân các thôn bản.
Không chỉ duy trì phong trào “Ngày thứ bảy xanh”, tạo thành nét đẹp văn hóa thôn bản, bà con nông dân xã Ảng Nưa còn thực hiện tốt mô hình “Di dời chuồng, trại ra xa nhà ở”. Để thực hiện được mô hình này, các hội, đoàn thể của xã đã rất sát sao giúp bà con nông dân.
Các hộ nông dân chăn nuôi với số lượng lớn và có khả năng tự di chuyển, được đoàn thể xã vận động thực hiện trước. Những gia đình có điều kiện khó khăn được giúp đỡ, dùng nguồn từ chương trình XDNTM và các nguồn hỗ trợ khác xây dựng chuồng trại.
Các thôn bản quyết liệt đưa quy định này vào quy ước, hương ước. Nhờ các biện pháp trên mà tập quán thả rông gia súc, gia cầm, nhốt vật nuôi dưới gầm nhà sàn tại địa phương này đã giảm đáng kể. Thực hiện tốt các phong trào bảo vệ môi trường, giữ môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp là niềm tự hào của người dân xã Ảng Nưa.
Xã Núa Ngam là xã đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên. Đồng bào các dân tộc trong xã còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, khó khăn cho công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan thôn bản. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường là tiêu chí được xã đặc biệt quan tâm. Hội nông dân xã Núa Ngam là đơn vị cơ sở hội có nhiều hoạt động tham gia bảo vệ môi trường thiết thực và hiệu quả.
Để đảm bảo môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp, Hội phát động hội viên nông dân các thôn bản tổ chức dọn vệ sinh môi trường hàng tuần; mỗi gia đình đào một hố rác để xử lý rác thải sinh hoạt, không xả thải bừa bãi ra môi trường. Hội cũng huy động ủng hộ, xây các bể chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và các loại rác thải khó phân hủy trên đồng ruộng. Các hoạt động này, của hội được bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng.
Xác định nông dân là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới và là lực lượng nòng cốt trong phong trào bảo vệ môi trường nông thôn, Hội nông dân xã Núa Ngam đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động thiết thực phát huy vai trò của hội viên nông dân, gìn giữ môi trường nông thôn trong lành, sạch đẹp. Hội đang góp phần giúp xã dần đạt tiêu chí môi trường trong thời gian gần nhất.
Ở khu vực nông thôn có một thực trạng đến nay các địa phương vẫn rất khó quản lý, đó là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, đúng liều lượng, sử dụng loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như trên, trung bình mỗi năm trên cả nước đã làm phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nguy hại ảnh hưởng đến môi trường.
Nhờ thu gom rác đúng nơi quy định, giờ đây đường giao thông, kênh mương nội đồng trong xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đã trở lên sạch sẽ |
Để hạn chế việc xả thải các loại hóa chất độc hại ra môi trường, Hội Nông dân ở một số xã như: Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống huyện Điện Biên đã vận động bà con nông dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường bằng các biện pháp cụ thể như: Vận động hội viên nông dân không vứt bừa bãi bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên đồng ruộng ; xây dựng bể chứa, xử lý rác thải, vỏ bao, chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên các cánh đồng ; xây dựng các mô hình sản xuất sạch, giúp nông dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tránh gây ô nhiễm môi trường…
Xã Noong Luống có khoảng 30 ha đất chuyên canh rau, trong đó phần lớn là bãi phù sa ở khu vực ven sông Nậm Rốm. Từ năm 1990 trở về đây, trên diện tích đất này, bà con nông dân trong xã trồng rau, màu mỗi năm từ 3 đến 4 vụ. Thực trạng nông dân ở các vùng chuyên canh sản xuất rau lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của chính người sản xuất.
Đây là một trong những lý do khiến bà con nông dân xã Noong Luống tham gia mô hình trồng rau sạch và mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ xây dựng vùng chuyên canh rau sạch có thương hiệu. Gia đình anh Nguyễn Đức Trường có 7.000m2 đất trồng rau. Thực hiện mô hình trồng và chăm sóc rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình anh chuẩn bị đất thật kỹ, làm cỏ bằng tay, ủ phân chuồng hoai mục và dùng phân hữu cơ sinh học bón lót. Chỉ khi rau có sâu bệnh mới phun thuốc bảo vệ thực vật. Anh thường dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học có độ an toàn cao với sức khỏe con người và môi trường.
Sinh sống và sản xuất ở khu vực nông thôn, mọi hoạt động trong đời sống cũng như lao động sản xuất của người nông dân đều có tác động qua lại với môi trường. Gìn giữ vệ sinh môi trường nông thôn vì vậy cần trở thành trách nhiệm, thành ý thức tự giác của mỗi nông dân, nông hộ. Ngoài các phong trào giữ gìn vệ sinh công cộng, quy hoạch nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, xử lí rác thải đúng quy định; thực hiện các mô hình sản xuất sạch, bà con nông dân cũng còn rất nhiều cách để bảo vệ môi trường như: Trồng rừng và bảo vệ rừng ; bảo vệ nguồn nước ; xây dựng hầm bioga để xử lý chất thải chăn nuôi ; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền và các hoạt động phong phú, phù hợp, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh ta đã thu hút được đông đảo hội viên nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Các hoạt động này đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân tự giác bảo vệ môi trường, sống thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn hiện vẫn đang còn tồn tại. Việc phấn đấu đạt tiêu chí môi trường ở nhiều xã đang rất khó khăn. Hoạt động bảo vệ môi trường tuy đã có những chuyển biến bước đầu, nhưng mới chỉ là phong trào khó duy trì bền vững.
Để công tác bảo vệ môi trường trở thành quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân nông thôn và đặc biệt là người nông dân, vấn đề quy hoạch và đầu tư cơ sở vật chất cho bảo vệ môi trường nông thôn cần được các địa phương quan tâm. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay hầu hết các xã chỉ mới thực hiện được mô hình thu gom rác thải.
Chưa xã nào xây dựng được hệ thống xử lí rác thải hợp vệ sinh. Cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở cũng chưa có những biện pháp mạnh mẽ thực hiện Luật bảo vệ môi trường, cũng như đưa quy định bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước của thôn bản. Thực hiện tốt những việc này, chính là hướng đi mới để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
Nước ta là nước nông nghiệp, có trên 70% dân số sống ở vùng nông thôn. Phát huy vai trò của người dân nông thôn nói chung và người nông dân nói riêng trong việc bảo vệ môi trường, không chỉ giúp các xã nông thôn nhanh chóng hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo an sinh xã hội.
Minh Giang/Dienbientv.vn