Lao động nữ đối mặt với quấy rối tình dục và sa thải

Thứ Năm, 19/07/2018, 07:32 [GMT+7]

Hành vi quấy rối tình dục bị nghiêm cấm, nhưng thực tế vẫn có những thông tin về các vụ quấy rối tình dục lao động nữ.
 
Đây là những thông tin được đưa ra tại Diễn đàn thúc đẩy Bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và Hội nhập do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức ngày 18/7.

Diễn đàn nhằm thảo luận những vấn đề mới phát sinh về bình đẳng giới, xác định những thách thức và bàn về các giải pháp khai thác tối đa các cơ hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập ở Việt Nam.

1
Toàn cảnh hội thảo


Lao động nữ bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc

Phát biểu tại diễn đàn, TS Trần Thị Hồng, Viện Nghiên Cứu Gia đình và Giới cho biết, tại Việt Nam hiện nay chưa có số liệu thống kê và các con số chính thức về quấy rối tình dục lại nơi làm việc. Các nghiên cứu về thực trạng triển khai các quy định phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng còn rất hạn chế. Mặc dù theo quy định pháp luật, hành vi quấy rối tình dục bị nghiêm cấm, nhưng thực tế vẫn có những thông tin về các vụ quấy rối tình dục lao động nữ.

TS Hồng dẫn chứng, khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và Navigos đối với 150 ứng viên nhân sự cấp trung tại các doanh nghiệp tư nhân cho thấy, có khoảng 17% trong số những người được hỏi cho rằng chính họ hoặc những người họ quen biết từng nhận được lời đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy những lợi ích tại nơi làm việc.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 1/2 công ty không có các chính sách phòng chống quấy rối tình dục.

TS Trần Thị Hồng cho rằng, quấy rối tình dục tại nơi làm việc mang lại những hậu quả nặng nề cả về mặt kinh tế và xã hội.

“Về mặt kinh tế, năng suất của các doanh nghiệp bị sụt giảm vì quấy rối tình dục làm suy yếu nền móng mà dựa vào đó các mối quan hệ lao động được vun đắp. Bên cạnh đó, quấy rối tình dục cũng làm tăng biến đổi về nhân sự và việc tăng lương cần thiết để giữ chân người lao động”, TS Hồng chỉ rõ.

Cũng theo chuyên gia này, việc triển khai các quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc có sự khác nhau ở từng công ty và từng loại doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số các công ty chỉ dừng lại ở quy định về nguyên tắc như quấy rối tình dục là hành vi bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, ý kiến của các nhà quản lý và các doanh nghiệp tại Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương đều cho rằng các quy định về quấy rối tình dục trong Luật Lao động năm 2012 còn mờ nhạt, thiếu khái niệm cụ thể, cơ chế và chế tài xử lý.

Nguy cơ bị thay thế

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng thời kỳ kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ứng dụng rộng rãi các tiến bộ công nghệ Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, người máy… dự báo sẽ có những tác động to lớn đến nhiều mặt đời sống, kinh tế xã hội.

Con người sẽ được giải phóng khỏi những công việc đòi hỏi nhiều sức lực, công việc nặng nhọc, những công việc giản đơn có tính lặp lại, cũng như các công việc nội trợ.

Kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế tri thức, các hình thức kinh doanh mới và đây cũng được coi là cơ hội để cho cả phụ nữ và nam giới tham gia vào thị trường lao động và thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

Song thời kỳ kỷ nguyên số cũng đem đến không ít thách thức với lực lượng lao động.

TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao, 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp. Có rủi ro được hiểu là những công việc có thể bị thay thế bằng các hệ thống, máy móc tự động hóa.

“Lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động làm những nghề có tiền lương thấp sẽ chịu tác động nhiều nhất. Lao động có trình độ học vấn càng thấp (làm những công việc giản đơn) thì nguy cơ bị máy móc thay thế càng cao. Lao động có trình độ học vấn từ tiểu học trở xuống thuộc nhóm có rủi ro cao hơn 10-30% so với lao động có trình độ THPT. Công việc có tiền lương càng thấp thì nguy cơ bị máy móc thay thế càng lớn. Lao động nữ làm việc trong các ngành có rủi ro cao lớn hơn 2,4 lần so với lao động nam”.

Trước những rủi ro có thực, các chuyên gia cho rằng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần có những thay đổi giúp người lao động có thể thích nghi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cần có những chính sách để hạn chế tình trạng sa thải lao động tuổi 35, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và lợi ích của doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có tới 70% lao động nữ, năm 2017, Samsung Việt Nam đã mở dự án đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề sửa chữa điện thoại di động mang tên “Trung tâm, đào tạo thực hành và hướng nghiệp Samsung” nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đào tạo nghề cho các bạn trẻ, đồng thời tạo cơ hội thực hành và việc làm cho các sinh viên đang học tại các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề./.

 

 

Theo VOV

.