Giảm nghèo ở Điện Biên thực trạng và giải pháp

Thứ Ba, 03/07/2018, 14:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình giảm nghèo của tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả cơ bản và toàn diện, tạo được sự chuyển biến tích cực, rõ nét, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đối với người nghèo, vùng nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển bền vững.
 
Là tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao so với bình quân chung của cả nước, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2011, kết quả điều tra theo chuẩn nghèo được quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ, số hộ nghèo của tỉnh Điện Biên là 71.431 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 50%.

1
Năm 2011 số hộ nghèo của tỉnh Điện Biên là 71.431 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 50%.

 

Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao từ trên 70% là Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng và Điện Biên Đông, đây cũng là các huyện thuộc hơn 60 huyện nghèo nhất nước được hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Điện Biên xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, trong cả hai giai đoạn 2011-2016, và 2016 – 2020, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và thu được kết quả quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, các ngành và lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cải thiện điều kiện sản xuất, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Trong 7 năm (2011-2018), tỉnh Điện Biên đã huy động được gần 20 nghìn tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 là 12.293,87 tỷ đồng; năm 2016 và 2017 là gần 700 tỷ đồng) cho công tác giảm nghèo. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,01% (năm 2011) xuống còn 41% năm 2017.
 
Năm 2017, với tổng kinh phí đầu tư và huy động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo là hơn 326 tỷ đồng đã tạo thành nguồn lực quan trọng giúp cho nông dân và các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có vốn sản xuất, có việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo được quan tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng/năm, được khám chữa bệnh thuận lợi; 100% con em hộ nghèo được hỗ trợ miễn giảm học phí và các khoản đóng góp theo quy định. Nhiều dự án, chương trình mục tiêu về giáo dục và đào tạo được triển khai hiệu quả như phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, dự án tăng cường cơ sở vật chất trường học, dự án hỗ trợ giáo dục miền núi và vùng dân tộc, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, từng bước nâng cao trình độ dân trí ở các vùng núi khó khăn.

Việc thực hiện các chính sách dạy nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Năm 2017, thực hiện Chương trình dạy nghề cho nông dân theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tổ chức cho trên 7.000 người trong độ tuổi được tham gia học nghề, trong đó số lao động thuộc diện hộ nghèo chiếm trên 40%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ hơn 30% năm 2015 lên trên 40% năm 2017, giải quyết việc làm mới cho trên 7.200 người.

Công tác xuất khẩu lao động được coi là mũi nhọn, hướng đột phá trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 400 con em đồng bào các dân tộc đang lao động xuất khẩu ở các nước, bình quân mỗi năm có trên 60 người đi làm việc có thời hạn tại các thị trường lao động ngoài nước với số tiền gửi về cho gia đình và quê hương hằng năm từ 3 đến 4 tỷ đồng. Đây là nguồn lực khá lớn, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế của tỉnh.

Cùng với đó, việc xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo luôn được chú trọng với nhiều mô hình sản xuất kinh tế mới phù hợp với điều kiện của người dân. Đã có trên 30% hộ nghèo tham gia thực hiện mô hình giảm nghèo như: Thâm canh lúa cải tiến SRI, mô hình trồng nấm, mô hình chăn nuôi gà, ngan, vịt, mô hình nuôi Dê, trâu, Bò sinh sản... góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội các xã miền núi. Bên cạnh nguồn lực của Chương trình mục tiêu, từ năm 2015 đến nay, đã có nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng hỗ trợ an sinh xã hội cho tỉnh Điện Biên với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng, tập trung giúp hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ hộ nghèo vốn, điều kiện sản xuất; hỗ trợ bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh; hỗ trợ học sinh nghèo đến trường; hỗ trợ huyện nghèo 30a xây dựng cơ sở hạ tầng, trường lớp học...

1
Được vay vốn để mua trâu sinh sản chăn nuôi, gia đình anh Trần Văn Khường (thôn Hợp Thành) xã Núa Ngam đã có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

 

Nhắc đến Tủa Chùa ai cũng biết, đó là một địa bàn vùng cao nghèo, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 130km. Tủa Chùa là 1 trong hơn 60 huyện nghèo nhất nước thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện Tủa Chùa xác định: Xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Là một địa phương hội nhiều khó khăn đặc thù của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Nhưng so với những năm trước đây, thì nay Tủa Chùa đã đổi thay “Vượt bậc”.

Đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Với dân số hơn 5 vạn người, hầu hết là đồng bào các dân tộc thiểu số là: Thái, Mông, Dao, sinh sống ở 12 xã và thị trấn. Tủa Chùa có diện tích tự nhiên rộng lớn, nhưng mật độ rất thưa thớt, chỉ khoảng 55 người/km2. Mấy năm nay, kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc Tủa Chùa đổi thay rõ nét so với 15 năm trước đây.

Có được kết quả đó, là nhờ sự nỗ lực vươn lên của chính người dân và sự đầu tư, giúp đỡ to lớn của Chính phủ thông qua các chương trình, dự án thiết thực và hiệu quả. Không những được đầu tư về kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội như: Đường giao thông thuận tiện, lưới điện quốc gia, các công trình thủy lợi, máy nông cụ... nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo mà nông dân còn được hỗ trợ trực tiếp từ kỹ thuật, con giống, vật nuôi, hỗ trợ làm chuồng trại cho gia súc...

Theo chuẩn nghèo mới, nếu như vào đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Tủa Chùa là hơn 67% thì đến cuối năm 2017 giảm xuống còn hơn 60,1%. Chỉ tính riêng năm 2017, huyện Tủa Chùa giảm được hơn 5% số hộ nghèo. Tập trung cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện Tủa Chùa chú trọng chỉ đạo lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với chương trình mục tiêu giảm nghèo; thực hiện tốt chương trình đầu tư xây dựng cơ bản, công tác cho vay từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm và chương trình cho vay vốn hộ nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo, nhất là sau khi thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, Tủa Chùa đã có được những chuyển biến tích cực. Những năm gần đây, Tủa Chùa chủ trương quy hoạch vùng trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, giống vật nuôi. Từ đó tập trung nguồn lực khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng xã để phát triển nhanh, bền vững.
 
Là huyện mới chia tách, huyện Nậm Pồ gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo, những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi về với huyện biên giới Nậm Pồ là sự đổi thay trên đà phát triển. Đổi thay ấy cho chúng tôi niềm tin rằng: Nậm Pồ sẽ vững bước đi lên, bởi không còn cách trở, khó khăn.

Sau 5 năm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, đến năm 2017, huyện Nậm Pồ đã huy động được 800 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng, xóa nhà tạm bợ, hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đây chính  là nguồn lực quan trọng giúp cho huyện nghèo Nậm Pồ từng bước chuyển mình thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên và nâng cao đời sống cho Nhân dân các dân tộc.  
 
Dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song có thể khẳng định rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong công tác giảm nghèo, cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo đã tạo chuyển biến tích cực trong Chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn trên 41%, hoàn thành các mục tiêu chương trình kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Bước sang giai đoạn mới, nhận diện nghèo và Chương trình giảm nghèo có nhiều thay đổi. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ trên 41%, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ trên 9% tổng số hộ. Mục tiêu đặt ra của Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên là phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 33% (bình quân giảm 5%/năm); đưa các huyện thuộc Nghị quyết 30a xóa đói giảm nghèo bền vững.

1
Hôi LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh Hải Dương trao tặng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo xã Phu Luông huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên

 

Với mục tiêu trên, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giảm nghèo, thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Trong đó xác định, nhận diện nguyên nhân nghèo để tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các thôn, xã và huyện còn khó khăn; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.

Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, khuyến khích người dân phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị, thương hiệu phục vụ nhu cầu thị trường. Chú trọng tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao giữa các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, mục đích, hiệu quả chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều; động viên, khuyến khích hộ nghèo chủ động vươn lên, tự nguyện đăng ký thoát nghèo.
 
Với sự quyết tâm và những giải pháp đồng bộ, phù hợp, Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo; những thành tựu giảm nghèo bền vững đã đạt được sẽ làm nền tảng vững chắc để Điện Biên tiếp tục giành được những thành công mới trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững cho Nhân dân, tạo diện mạo mới cho nông thôn vùng cao trong tỉnh./.
                                                          

 

 

Trần Sơn/Dienbientv.vn

.