Điện Biên

Quyết tâm cán đích nông thôn mới đúng lộ trình

Thứ Tư, 04/07/2018, 15:00 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mục tiêu của chương trình XDNTM tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 -  2020 là: Đến hết năm 2020 có 2/10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 35 xã đạt các tiêu chí cơ bản của xã nông thôn mới; chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng lên; 70% số xã có ít nhất một sản phẩm hàng hóa đặc trưng cung cấp cho thị trường, trong và ngoài tỉnh.

Mục tiêu chương trình XDNTM của tỉnh ta giai đoạn 2016 – 2020 là: Xây dựng nông thôn mới bền vững, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo chuỗi liên kết; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Các xã trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện chương trình theo đúng lộ trình đề ra.

1
Lễ hội thành Bản Phủ xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, ảnh KT

 

Lễ hội thành Bản Phủ xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên hai năm gần đây như tưng bừng hơn. Tiếng trống hội đầy khí thế cùng những lời ca, điệu múa rộn rã, như thể hiện niềm vui của người dân nơi đây trước sự thay đổi từng ngày của quê hương. Là một xã thuần nông có trên 2.200 hộ dân, trong đó 80% sản xuất nông nghiệp, nhưng Nhân dân Noong Hẹt đã phát huy cao độ tinh thần tích cực lao động sản xuất, chung sức xây dựng thôn, bản no ấm, khang trang.

Đến cuối năm 2016 xã này đã cơ bản hoàn thành chương trình XDNTM, với 1 tỷ 30 triệu đồng nguồn vốn huy động từ nhân dân, bằng 1/3 tổng nguồn vốn huy động cho chương trình XDNTM của xã. Xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, tích cực trong mọi tầng lớp Nhân dân trên toàn xã. Chúng ta có thể thấy điều này qua một số việc làm tiêu biểu cụ thể như: Người dân thôn Trần Phú chủ động tìm nguồn lực xây dựng đường giao thông thôn bản, cơ sở vật chất văn hóa, vệ sinh môi trường ; Bà con thôn Tân Biên góp hàng trăm ngày công, và đóng góp gần 200 triệu đồng để san đồi, xây dựng công trình nhà văn hóa thôn, giúp xã hoàn thành mục tiêu cán đích nông thôn mới đúng lộ trình.
 
Một trong các tiêu chí khó với Noong Hẹt nói riêng và hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh nói chung, khi thực hiện chương trình XDNTM là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Tuy thiếu quỹ đất, nhưng bà con nhân dân nhiều thôn, bản vẫn nỗ lực thực hiện tốt tiêu chí này bằng tinh thần cộng đồng rất đáng biểu dương. Đó cũng chính là tinh thần chung tay xây dựng nông thôn mới của người dân khắp các địa phương trên toàn tỉnh.

Cùng về đích với xã Noong Hẹt huyện Điện Biên là xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ. Tuy thuộc địa bàn thành phố, nhưng xã Thanh Minh lại có nhiều thôn bản nằm trên địa hình đồi núi dốc, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người. Trong giai đoạn nước rút về đích XDNTM, tiêu chí giao thông với xã là tiêu chí thực sự khó khăn, bởi đường thôn bản, nhiều nơi vẫn là đường mòn.

Môi trường lâu nay vốn là vấn đề nan giải ở các xã nông thôn miền núi, nhưng xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng đã giải quyết một cách ấn tượng tiêu chí này. Đến Ảng Nưa hôm nay không gian xanh, sạch từ đường làng ngõ xóm về tới mỗi hộ dân quả thực khác trước rất nhiều.

Giữa màu xanh ngút mắt của những vườn cà phê là mảng màu tươi sáng nổi bật của các tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa và gìn giữ sạch đẹp. Mỗi cụm dân cư đều có một hoặc hai thùng rác, giúp bà con thu gom rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Phong trào “Ngày thứ bảy xanh” vệ sinh đường làng, ngõ xóm do xã phát động ở các thôn bản, được Nhân dân thực hiện đều đặn. Trong các hộ gia đình, từng ngôi nhà, góc vườn, chuồng trại đều được quy hoạch gọn gàng, Cuộc sống của bà con dân bản vì vậy thêm vui vẻ, ấm áp. 

1
Tổ dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

 

Thanh Nưa là một trong 12 xã biên giới của huyện Điện Biên. Thực hiện XDNTM trong điều kiện còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, đời sống Nhân dân cũng còn nhiều khó khăn, tiêu chí nhà ở dân cư là một trong các tiêu chí khó với xã. Tuy vậy, với sự vận động tích cực của cấp ủy, chính quyền và  MTTQ xã, Thanh Nưa đã có được nguồn lực đáng kể để thực hiện tiêu chí này.

Gia đình chị Tòng Thị Hà, đội 22, bản Phiêng Ban, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sức khỏe chị không ổn định, thiếu công ăn việc làm, nên việc dựng được một căn nhà kiên cố với chị là vô cùng vất vả. Năm 2017, xã Thanh Nưa phấn đấu cơ bản đạt từ 15 đến 19 tiêu chí NTM, gia đình chị cùng 42 hộ nghèo khác trong xã được hỗ trợ mỗi hộ 23 triệu đồng để xóa nhà tạm và xây dựng công trình vệ sinh. Đây là động lực giúp chị cố gắng hoàn thiện căn nhà mới khang trang hơn.
 
Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Thanh Nưa xóa được trên 40 nhà tạm dột nát từ nguồn vốn hỗ của Quỹ vì người nghèo các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp. Hoàn thành tiêu chí này, xã biên giới này cũng nằm trong tốp 9 xã cán đích NTM năm 2017.

Bên cạnh việc nỗ lực giải quyết các tiêu chí khó khăn trong XDNTM, nhiều xã cũng đã phát huy tốt nội lực, xây các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình chăn nuôi gia cầm xã Pom Lót, mô hình trồng hoa và rau màu xã Thanh Hưng. Tiêu biểu nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo theo chuỗi an toàn thực phẩm ở xã Thanh Yên.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Thanh Yên là mô hình khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trên cánh đồng mẫu lớn, HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên liên kết với 20 hộ nông dân hai thôn Thanh Trường, Yên Trường xây dựng chuỗi sản xuất giống lúa IR64, giống lúa gạo đặc sản của Điện Biên.

HTX cung cấp giống tiêu chuẩn, chất lượng đảm bảo, tập huấn và quản lý quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu gieo trồng đến chế biến, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Mô hình sản xuất này được nhân rộng, giúp bà con nông dân xã Thanh yên tăng thu nhập và tạo ra sản phẩm lúa gạo đặc trưng của xã ở vùng lòng chảo Điện Biên
 
Với xuất phát điểm thấp, việc hoàn thành chương trình XDNTM ở các xã miền núi tỉnh Điện Biên gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, với quyết tâm và sự đồng thuận cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã, mọi khó khăn cũng được giải quyết.

Theo số liệu thống kê của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, từ năm  2016 đến nay toàn tỉnh đã huy động được trên 4.096 tỷ  đồng cho chương trình XDNTM, trong đó trên 14% được trung ương hỗ trợ ; 1,4% ngân sách địa phương; 80% từ các nguồn vốn lồng ghép ; 1,68% nguồn huy động từ công đồng dân cư, phần còn lại là vốn huy động các doanh nghiệp và các nguồn vốn khác. Với sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân cho chương trình, đến nay toàn tỉnh đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã cơ bản đạt chuẩn.

Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện, được cán bộ HND tư vấn kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm chăm sóc, gia đình anh Mùa A Sinh, bản Cáng Tỷ, xã Sín Chải đầu tư nuôi bò sinh sản, hiện đàn gia súc
Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện, được cán bộ HND tư vấn kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm chăm sóc, gia đình anh Mùa A Sinh, bản Cáng Tỷ, xã Sín Chải đầu tư nuôi bò sinh sản, hiện đàn gia súc

   
Tuy chương trình XDNTM toàn tỉnh đã đi đúng lộ trình, nhưng việc thực hiện chương trình vẫn còn môt số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn lực huy động cho đầu tư XDNTM chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình ; nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư còn hạn chế ; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa chủ động, sáng tạo trong việc tuyên truyền vận động và triển khai thực hiện chương trình.

Để khắc phục những hạn chế trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh, chỉ đạo các huyện, thị, thành phố quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu giai đoạn đề ra, phấn đấu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 35 xã đạt các tiêu chí cơ bản của xã nông thôn mới ; 2/10 huyện thị, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Với các giải pháp tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ; tăng cường các hoạt động tuyên truyền và vai trò của Ban Chỉ đạo XDNTM các cấp.

Với những kết quả đạt được từ năm 2016 đến nay trong chương trình XDNTM, chúng ta thấy được sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị vào cuộc ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh với quyết tâm cao nhất làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Kết quả này, cho chúng ta tin tưởng Chương trình XDNTM toàn tỉnh sẽ cán đích đúng lộ trình, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của Điện Biên phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện./.

 

 

Minh Giang/Dienbientv.vn

.