Nguy cơ mất rừng ở Mường Nhé
Điện Biên TV - Sau rất nhiều nỗ lực, những tháng đầu năm 2018, huyện Mường Nhé tiếp tục xảy ra tình trạng phá rừng. Đáng nói ở đây là đã có tới 31 vụ phá rừng diễn ra chỉ ngay sau khi lực lượng giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do theo Kế hoạch 420 rút khỏi địa bàn. Tổng diện tích rừng thiệt hại lên tới hơn 12 ha. Điều này cho thấy, câu chuyện giữ rừng ở huyện Mường Nhé thực sự đã có hồi kết. Và nguy cơ mất thêm rừng ở Mường Nhé vẫn hiện hữu.
Nhìn lại Kế hoạch 420
Huyện Mường Nhé có hơn 71.000 ha rừng, trên tổng diện tích tự nhiên hơn 250.000ha. Đây là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất toàn tỉnh Điện Biên. Toàn bộ rừng của huyện vùng cao này đều thuộc rừng phòng hộ xung yếu cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng, những năm gần đây, dân di cư tự do chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông vào huyện Mường Nhé gia tăng dẫn đến tình trạng phá rừng ồ ạt để làm nương.
Tổ công tác 420 xã Chung Chải, huyện Mường Nhé đang rà soát bản đồ rừng phòng hộ tại bản Tá Phì Chà. ảnh KT |
Nhiều năm qua, huyện Mường Nhé được biết đến là một điểm nóng về tình trạng phá rừng do tình trạng di dịch cư tự do vào địa bàn. Để giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do, ngày 22/2/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 420 với kỳ vọng công cuộc bảo vệ rừng ở Mường Nhé sẽ có bước chuyển mới.
Theo đó, ngày 1/3/2017, Kế hoạch 420 được triển khai với sự tham gia của gần 500 người được tăng cường vào huyện Mường Nhé.
Trong đó, trong đó cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh đóng vai trò nòng cốt. Gần như ngay lập tức, 7 tổ công tác được hình thành tại các xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và một số địa bàn trong điểm thực hiện nhiệm vụ: Xác định số dân di cư tự do hiện có; ngăn chặn tình trạng di cư tự do mới; tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép.
Tại điểm nóng nhất của tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch, các thành viên của tổ công tác gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Hàng ngày, các cán bộ, chiến sĩ phải băng suối, leo núi để đến các bản tuyên truyền người dân ký cam kết không phá rừng, không để người di cư đến bản.
Các tổ công tác cũng đã tiến hành phát tờ rơi bằng tiếng Việt và tiếng Mông về quy định bảo vệ rừng và vấn đề di cư ngoài kế hoạch; trong đó quy định rõ những việc được làm và không được làm đối với quản lý bảo vệ rừng và di cư. Sau các buổi họp dân, được tuyên truyền, vận động, người dân từng bước nhận thức được việc bảo vệ rừng là cần thiết đã tự nguyện ký vào bản cam kết sẽ không để người di cư ngoài kế hoạch vào bản, không tham gia phá rừng.
Tuy nhiên, nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng phá rừng ở Mường Nhé không phải đơn giản. Hầu hết các vụ phá rừng không phải vì mục đích lấy gỗ mà là để lấy đất trống làm nương rẫy. Sau khoảng 2 đến 3 vụ lúa nương, đất đai không được cải tạo sẽ bạc màu rất nhanh, hiệu quả sản xuất giảm sút, mảnh nương cũ sẽ không còn được sử dụng để canh tác nữa. Nhiều cánh rừng tiếp tục bị đốn hạ lấy đất trồng lúa nương. Theo số liệu thống kê thì từ năm 2013 đến nay, toàn huyện Mường Nhé có trên 500ha rừng bị chặt hạ. Thế nhưng, trên thực tế thì con số này còn lớn hơn nhiều.
Từ năm 2013 đến nay, toàn huyện Mường Nhé có trên 500ha rừng bị chặt hạ. ảnh Tổ công tác 420 phát hiện, lập biên bản vụ phá rừng xảy ra tại xã Chung Chải huyện Mường Nhé. ảnh KT |
Không thể phủ nhận Kế hoạch 420 mang lại hiệu quả khá tốt trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng và di cư tự do. Tuy nhiên, công cuộc giữ rừng ở Mường Nhé chưa phải đã hết khó khăn và thách thức. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ngay trong thời điểm các tổ công tác thực hiện Kế hoạch 420 vẫn đang thực hiện nhiệm vụ, huyện Mường Nhé vẫn xảy ra 159 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, có 143 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng bị phá trên 142ha.
Rừng vẫn bị phá khi thành viên các tổ công tác theo Kế hoạch 420 vẫn đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vấn đề đặt ra tiếp theo là làm thế nào có thể bảo vệ an toàn những cánh rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé khi lực lượng này rút đi luôn là câu hỏi lớn!!?
Công cuộc giữ rừng còn nhiều thách thức.
Ngay sau khi các tổ công tác của Kế hoạch 420 hoàn thành nhiệm vụ, UBND huyện Mường Nhé đã thành lập các tổ phản ứng nhanh gồm khoảng 40 người, có mặt tại các điểm nóng về tình trạng phá rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi phá rừng trái phép. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh rà soát và kiểm đếm rừng, phân loại rừng trên địa bàn huyện, bổ sung những khu rừng không nằm trong 3 loại rừng này vào danh sách để tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ, giao cho người dân quản lý.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Điện Biên, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện Mường Nhé đang tái diễn tình trạng người dân phá rừng làm nương. Cơ quan chức năng đã phát hiện 31 vụ vi phạm, thiệt hại trên 12ha.
Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an huyện Mường Nhé phối hợp với các lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng của huyện Mường Nhé khẩn trương làm rõ các vụ phá rừng, xử xý đúng quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục Nhân dân. Đã tiến hành khởi tố 6 vụ, 2 bị can, hiện đang tiếp tục hoàn thiện khởi tố 4 bị can, xử lý hành chính 16 vụ, 16 đối tượng.
Vào mùa làm nương nhưng người dân không có đất sản xuất, không biết đâu là rừng, đâu là đất nương để canh tác. Qua công tác nắm tình hình cũng xác định hầu hết các bản, nhất là các bản thực hiện Đề án 79 đều có chung thực trạng là chưa được chia hoặc chia không đủ đất sản xuất. Đất bị bạc màu, chưa khoanh vùng đất sản xuất, chưa công bố điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng... nên Nhân dân không biết canh tác ở khu vực nào. Do đó đã tác động ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, dẫn đến các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo người dân gây mất an ninh trật tự, ổn canh, ổn cư, ổn định cuộc sống.
Một buổi tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép tại xã Chung Chải huyện Mường Nhé |
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Ngay sau khi các tổ công tác của Kế hoạch 420 rút, UBND huyện Mường Nhé sẽ thành lập các tổ phản ứng nhanh gồm khoảng 40 người, có mặt tại các điểm nóng về tình trạng phá rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi phá rừng trái phép.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh rà soát và kiểm đếm rừng, phân loại rừng trên địa bàn huyện, bổ sung những khu rừng không nằm trong 3 loại rừng này vào danh sách để tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ, giao cho người dân quản lý. Hơn thế nữa, tình trạng phá rừng ở Mường Nhé nguyên nhân chính là dân di cư. Do người dân mới di cư vào đây không có đất, không có nhà họ đã phá rừng.
Đối với những hộ dân di cư vào từ nhiều năm, họ đã có nhà ở và đất canh tác, cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đăng ký hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân để người dân an tâm sản xuất; phát hiện, vận động và kiên quyết đưa về nơi ở cũ đối với số dân di cư ngoài kế hoạch mới vào địa bàn huyện.
Cùng với đó, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục rà soát và kiểm đếm, phân loại rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Mường Nhé, bổ sung những khu rừng không nằm trong 3 loại rừng này vào danh sách để tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ, giao cho người dân quản lý.
Đối với những khu rừng mà người dân đã phá, sẽ tiếp tục đề xuất trồng rừng và có những chính sách cho người dân để bà con tích cực tham gia trồng rừng. Bên cạnh đó, các huyện Mường Nhé tiếp tục tổ chức họp dân, ký cam kết, phát tờ rơi tuyên truyền vận động Nhân dân không phá rừng và không di cư ngoài kế hoạch; kịp thời xử lý đối với những đối tượng hủy hoại rừng và có những biểu hiện cực đoan chống đối lực lượng chức năng.
Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép ở huyện Mường Nhé được xác định là do năng lực, quản lý bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư, thôn bản khi được giao rừng còn nhiều hạn chế, một số thành viên trong cộng đồng còn thiếu tinh thần trách nhiệm khiến rừng bị phá nhưng không ngăn chặn được. Một số hộ thiếu đất sản xuất vẫn lên các điểm quy hoạch rừng để dựng nhà ở tạm và canh tác… Do vậy, muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này, không còn cách nào khác ngoài việc các đơn vị liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt việc bố trí sắp xếp dân cư; đồng thời phối hợp chặt chẽ với huyện Mường Nhé giải quyết dứt điểm các vấn đề còn bức xúc ở cơ sở./.
Ngọc Thượng – Anh Tuấn/Dienbientv.vn.