Nhọc nhằn nghề chẻ đá đen ở Mường Lay
Điện Biên TV - Khi đến với TX. Mường Lay, ngắm những ngôi nhà sàn được lợp bằng đá đen, chúng tôi thấy rất tò mò và tự hỏi những viên đá đó được chế tác như thế nào mà khéo léo đến vậy? Sự độc đáo của những vật liệu xây dựng này khiến cho ai nhìn thấy cũng phải ngạc nhiên, trầm trồ thán phục đôi bàn tay của người thợ.
Đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc đó, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến một cơ sở chẻ đá đen ở bản Xá, phường Na Lay (TX. Mường Lay) để “mục sở thị” quá trình chẻ đá đen của người dân nơi đây và cảm nhận sự vất vả cùng những rủi ro mà họ phải trải qua.
Buổi chiều một ngày tháng 5, trong tiết trời oi nóng, giữa bãi đá đen ngổn ngang, những người thợ vẫn hì hục chẻ, đục, đẽo đá. Tiếng búa, tiếng nêm nện vào đá, lúc liên hồi, khi lại đứt quãng, nghe mà chát chúa. Có trực tiếp chứng kiến những người thợ chẻ đá làm việc, chúng tôi mới thấy hết nhọc nhằn và hiểm nguy của nghề này.
Để tạo ra những sản phẩm xây dựng đạt tiêu chuẩn, người thợ chẻ đá đen phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi chát mặn, thậm chí cả máu thì mới có những viên đá chẻ vuông vức, sẵn sàng phục vụ cho các công trình.
Nghề chẻ đá yêu cầu người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ và đặc biệt phải kiên trì |
Đã từng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề chẻ đá đen, ông Điêu Văn Luyện, bản Xá, phường Na Lay (TX. Mường Lay) hiểu hơn ai hết về những vất vả của nghề này. Đôi bàn tay của ông đã chai sần vì những năm tháng cầm búa. Trong sự hỗn độn của âm thanh với tiếng búa, tiếng nêm, ngồi trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông Luyện lại phải nheo mắt, nghiêng vành tai để nghe chúng tôi hỏi chuyện.
Ông Luyện giãi bày: “Làm nghề này yêu cầu người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ và đặc biệt phải kiên trì, bởi để tạo ra sản phẩm cần phải trải qua rất nhiều công đoạn khó và khá vất vả. Giữa đống đá ngổn ngang, nhiều khi người thợ chật vật mãi mới vần được tảng đá to ra để chẻ thành các tảng đá nhỏ. Có những khối đá nặng gần 1 tấn, anh em khó khăn lắm mới chẻ ra được; nhưng nhiều khi lại không thể tạo ra sản phẩm, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào đá. Nhiều viên xù xì không chẻ được thành phẩm; mà phải là những viên có bề mặt nhẵn thì mới tạo ra gạch, ngói đẹp.”
Tuy nhiên, những người làm nghề như ông Luyện cũng gặp không ít trường hợp viên đá đen có bề mặt rất nhẵn, đẹp, nhưng sau khi chẻ nhỏ, mất nhiều công sức, thời gian, lại không tạo được sản phẩm. Theo kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, ông Luyện chia sẻ: “Đá đen được lấy từ khe suối thì dễ chẻ hơn đá được khai thác từ trên đồi vì đá có độ ẩm cao thì “mềm”, dễ chẻ; còn tảng đá nào có gân thì không thể tạo thành gạch và ngói, vì đá giòn rất hay bị vỡ vụn”.
Nghề này vất vả, nặng nhọc và lúc nào cũng nhem nhuốc vì tiếp xúc liên tục với đá đen. Cả ngày chỉ ngồi chẻ, đục, đẽo để tạo ra sản phẩm, nghe nhiều âm thanh của sắt, đá va vào nhau cũng đủ inh tai, nhức óc. Ông Luyện cho biết: “Sau mấy chục năm làm nghề này, đến nay thính lực cứ giảm dần đi, nghe không còn được rõ như trước.
Nhưng vì miếng cơm, manh áo, những người thợ chẻ đá đen như tôi cũng đành chấp nhận, coi đó như một bệnh nghề nghiệp”. Quả thực, tiếng búa nện vào nêm và mũi nêm chạm vào đá tạo thành một thứ âm thanh vừa chát chúa, vừa nặng trịch; vì vậy chúng tôi đã hiểu được tại sao ông Luyện phải nheo mắt, nghiêng vành tai hướng về phía chúng tôi khi nói chuyện.
Không chỉ có những người đàn ông khỏe mạnh, vạm vỡ mới làm nghề này, mà còn có cả những người phụ nữ chân yếu, tay mềm, nhưng bàn tay lại rất khéo và tỉ mỉ. Dù mới vào nghề chỉ 2 năm nay, chị Khoàng Thị Lý, cùng ở bản Xá, phường Na Lay (TX. Mường Lay) lại rất khéo léo chẻ những tảng đá dày thành viên mỏng.
Được biết, để tranh thủ thời gian, tạo nhiều sản phẩm, buổi sáng, chị bắt đầu công việc chẻ đá từ lúc 6 giờ đến hơn 11 giờ, và buổi chiều công việc lại tiếp tục từ 13 giờ đến gần 18 giờ mới nghỉ. Dù ngày đông giá rét hay mùa hè nóng nực, chị Lý luôn phải làm việc ngoài trời, chỉ có tấm bạt dứa mỏng để che mưa, chắn nắng nên lúc nào người cũng ướt đẫm mồ hôi và mặt mũi, toàn thân thì lấm lem bụi đá.
Nếu như không chứng kiến quá trình chẻ đá, chúng tôi vẫn nghĩ để làm ra những sản phẩm này phải sử dụng một loại máy móc, hay công cụ hỗ trợ nào đó, nhưng thực tế chỉ có chiếc búa, nêm và dao cắt đá. Tất cả đều được làm thủ công mà không có phương tiện bảo hộ nào khác ngoài chiếc găng tay bằng vải mỏng.
Chị Lý tỉ mỉ chẻ đá đen |
Chị Lý bộc bạch: Công việc này rất vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mọi công đoạn đều dựa vào sức người, từ khâu lựa đá, lăn đá đều phó thác vào kinh nghiệm của người thợ. Mệt nhất là công đoạn chẻ đá to; nếu không cẩn thận đá văng, đá đè vào chân, tay; nhưng thế vẫn còn may, nếu để mảnh đá bắn vào mắt thì rất nguy hiểm. Không những thế, hàng ngày, những người thợ còn hít nhiều bụi bẩn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trong khi đó, thu nhập cũng bấp bênh, ngày nào nhiều thì cả nhóm 3 – 4 người mới làm được hơn 200 viên ngói; còn có khi chỉ được gần 100 viên/ngày nên thu nhập cũng chỉ 4 – 5 triệu/tháng. Ngoài ra, mọi người làm cho doanh nghiệp theo thời vụ nên khỏe ngày nào làm ngày đấy, thu nhập cũng không ổn định. Tuy nhiên, mọi người vẫn phải tiếp tục công việc này, không thì cũng không biết sẽ phải làm gì để kiếm tiền, chăm lo cuộc sống, cho con cái học hành.
Chứng kiến người thợ tạo ra những viên gạch, viên ngói từ đá đen dùng lợp mái nhà, ốp lát tường, ốp lát nền với kích thước: 10x20; 15x20; 20x30… ai ai cũng tò mò, ngạc nhiên, trầm trồ ngợi khen đôi bàn tay khéo léo của những người làm nghề, nhưng mấy ai thấu hiểu được những nỗi nhọc nhằn, vất vả của họ. Khi ánh nắng chiều đang khuất dần sau những dãy núi, bóng người thợ chẻ đá đen loang dài trên mặt đất cũng là lúc chúng tôi chia tay những con người lam lũ ấy. Dẫu sao, chúng tôi cũng hy vọng những sản phẩm do họ làm ra sẽ được nhiều người biết đến và sử dụng. Qua đó, giúp họ có công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này.
CTV - Phạm Quang