Lời kể ám ảnh của những trẻ em lang thang trên mạng xã hội
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, trẻ em có thể dễ dàng tiếp xúc và làm quen với mạng xã hội ngày càng nhiều hơn.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ gặp nhiều hơn nguy cơ đe dọa sự an toàn từ một kênh ảo nhưng hậu quả thực.
(Ảnh minh họa) |
Nguyễn Bích Ngọc, học sinh lớp 9 một trường THCS ở Hà Nội cho biết, ngay từ khi học lớp 6, bố mẹ đã cho em dùng điện thoại thông minh.
Thấy các bạn trong lớp đều có tài khoản facebook, em cũng mày mò tự lập cho mình một tài khoản. Mặc dù theo quy định của mạng xã hội này, những người đủ 13 tuổi trở lên mới được lập tài khoản facebook nhưng các em tự khai tăng tuổi lên bởi không có ai kiểm soát vấn đề này.
Được tự do kết bạn với bạn bè ở khắp nơi trên thế giới, các em thấy vui khi danh sách bạn bè lên đến hàng nghìn người. Phần lớn những người em kết bạn đều không quen biết ở ngoài đời thực. Em có thể chia sẻ với nhiều người mà không biết họ ở đâu, là người như thế nào? Một thời gian em xao nhãng việc học nghiện mạng xã hội, thích chụp ảnh, đăng hình, đếm like, đọc bình luận…Em cũng như nhiều bạn bè trong lớp từng bị tổn thương bởi bạn bè trên mạng xã hội.
“Khi mình kết bạn với người ta hoặc người ta gửi kết bạn cho mình sẽ xuất hiện những tin nhắn chờ, là những lời mời đi chơi, lời rủ rê. Nếu chấp nhận tin nhắn hoặc đôi khi không chấp nhận lời mời có thể nhận lại những lời dọa nạt, đe dọa, lời nói khiếm nhã, khiến chúng em cảm thấy bị tổn thương và sợ hãi. Xem bảng tin trên facebook nhiều khi cũng xuất hiện những nội dung không lành mạnh và không phù hợp với lứa tuổi”, em Nguyễn Bích Ngọc chia sẻ.
Môi trường mạng không chỉ là kênh cung cấp thông tin, giải trí, thư giãn cho mọi người mà còn giúp mở rộng mối quan hệ xã hội, đặc biệt là kết bạn. Trong xu thế chung, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến tháng 1/2017, cả nước có hơn 50 triệu người dùng internet (chiếm 53% dân số).
Trong đó có hơn 1/3 số là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15 đến 24. Một kết quả nghiên cứu của Anh chỉ ra rằng, cứ 4 trẻ, lại có 1 trẻ từng trải nghiệm đau buồn khi dùng mạng xã hội, cứ 3 trẻ, lại có 1 em là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Trên thế giới, mỗi ngày có tới hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng vì các em tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin nhanh nhưng hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%). Chỉ có 11% học từ nhà trường nhưng hầu hết các trường học cũng mới chỉ dạy kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Trong khi từ phía cha mẹ, người giám hộ và người chăm sóc, do những hạn chế về kiến thức, kỹ năng gặp nhiều khó khăn để giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.
Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) cho rằng, nhiều phụ huynh vẫn chưa hướng dẫn và kiểm soát việc trẻ sử dụng các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng internet hàng ngày. Ngày càng có nhiều trẻ em nghiện trò chơi trực tuyến (game online), điện thoại thông minh, mạng xã hội. Trẻ em bị bóc lột, dọa dẫm, xâm hại trên môi trường mạng.
Bà Nguyễn Phương Linh nói: “Những kỹ năng số mà trẻ em Việt Nam, đặc biệt việc xử lý hành vi còn rất kém. Chúng ta vẫn gọi là mạng ảo nhưng thực tế nó không ảo chút nào, những rủi ro là có thật, những hành vi tương tác và những tổn hại đến thể chất tinh thần của trẻ em cũng rất thật.
Chúng tôi cũng rất mong muốn được truyền thông, được nâng cao nhận thức và được đào tạo cho trẻ em và cả gia đình những kỹ năng số để các con có thể làm chủ công nghệ và thích ứng với thời đại công nghệ. Internet không phải là ảo nữa mà là sự kết nối vạn vật và cuộc sống thật của chúng ta”.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), không thể cấm đoán trẻ em không được tiếp xúc với môi trường mạng khi thời đại công nghệ số đang ngày càng phát triển. Gia đình, nhà trường và xã hội cần để cho trẻ tham gia đời sống số một cách tích cực dưới sự bảo vệ, giám sát của những người có trách nhiệm.
Vậy làm thế nào để thế giới công nghệ số và môi trường mạng phát huy đến mức tối đa lợi ích cho trẻ em nhưng vẫn đảm bảo cho các em được an toàn trong thế giới đó? Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, trước hết, các bậc cha mẹ cần trang bị cho chính mình và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, đồng thời cần làm bạn, lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet.
Ông Đặng Hoa Nam phân tích: “Chúng ta phải sử dụng những quy trình và những dịch vụ có trong đời thực của hệ thống bảo vệ trẻ em để làm thế nào khi trẻ em bị xâm hại, bị tổn hại trên môi trường mạng, chúng ta đi theo quy trình.
Thứ nhất là tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ an toàn để có kế hoạch hỗ trợ can thiệp giống như một trẻ em bị xâm hại ở trong đời thực. Thứ hai là cần công khai, công bố danh sách các mạng thông tin dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn. Tiếp theo là phải loại bỏ những hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp. Các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ phải làm việc này”.
Để tránh những rủi ro trên môi trường mạng, các bậc cha mẹ cần áp dụng một số giải pháp để có thể bảo vệ con em mình như: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được.; Chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối internet ở phòng ngủ của cha, mẹ để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con cái.
Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hình và trình duyệt web.Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em. Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…/.
Theo VOV