Tìm hướng thoát nghèo ở bản Túc
Điện Biên TV - Bản Túc, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã (chiếm 97,2%), 3/36 hộ cận nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tìm hướng giảm nghèo nhanh bền vững cho người dân bản Túc đang là bài toán khó của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ông Điêu Chính Oai, Trưởng bản Túc cho biết: Bản xa trung tâm xã (7km đường rải cấp phối), hơn 6ha ruộng bậc thang người dân chỉ gieo cấy 1 vụ lúa/năm. Tuy số hộ trong bản thiếu lương thực dịp giáp hạt không nhiều nhưng lương thực dư thừa để trở thành hàng hóa không có. Thu nhập kinh tế của các hộ trong bản là sản xuất cây trồng, vật nuôi sản lượng, số lượng ít nhỏ lẻ.
Đoàn công tác của xã Mường Đun do Bí thư Đảng ủy làm trưởng đoàn (người ngoài bên phải) đi kiểm tra đất sản suất và đất rừng của Túc để đề ra hướng phát triển kinh tế |
Xa trung tâm xã, nhiều năm trước đây bản Túc như vùng biệt lập bởi chưa được đầu tư mở đường giao thông đi lại rất khó khăn. Do đó người dân không có điều kiện giao tiếp, thông thương nên nhận thức hiểu biết xã hội, kiến thức khoa học, kinh nghiệm sản xuất hạn chế. Mặt khác, hiện nay bản Túc chưa có điện lưới quốc gia, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sính hoạt, dân trí và việc học tập của con em. Những yếu tố trên làm cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của bản gặp không ít khó khăn. Ngoài cây lúa, bà con dân bản chỉ trồng ngô với diện tích ít.
Những năm gần đây, người dân bản Túc không phá rừng làm nương để trồng lúa nhưng tình trạng thả rông trâu bò đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển cây trồng. Chăn nuôi gia súc gia cầm thả rông, số lượng nhỏ lẻ, dịch bệnh thường xuyên không thể kiểm soát, tổng đàn gia súc không tăng trưởng. Hiện nay đàn trâu của bản có 28 con, bò có 30 con. Tuy nhiên, nhiều hộ bản Túc không có trâu, bò.
Gia đình chị Quàng Thị Thin, thuộc diện hộ nghèo đa chiều, nguyên nhân chị đơn thân nuôi 3 con, ruộng ít, không có trâu, bò cày kéo, thu nhập bấp bênh. Hiện nay 3 mẹ con chị Thin đang đi làm thuê ở Hà Nội, để lại 1 cháu nhỏ ở nhà nhờ người thân trông nom. Tài sản duy nhất của gia đình là một ngôi nhà nhỏ mái tấm lợp trị giá 5 triệu đồng (mới dựng). Trong khi đó chị Thin đang có dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng.
Gia đình anh Quàng Văn Dê, không có trâu, bò, không xe máy, tại thời điểm tháng 4/2018 tài sản trong nhà là 2 bao thóc ước tổng khối lượng 80 kg, trong khi đó phải duy trì cho 6 khẩu đến hết năm. Vợ chồng anh Dê đều không biết chữ, không biết lo toan làm ăn, một phần do mắc bệnh không bình thường về trí tuệ.
Gia đình anh Vừ A Chư được vay 40 triệu đồng mua trâu giống để phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo nhưng không may trâu mắc dịch bệnh bị chết. Gia súc không còn, mà nợ ngân hàng còn nguyên đó. Cũng theo Trưởng bản Điêu Chính Oai, trong bản còn nhiều hộ rất khó khăn, do không có trâu, bò, không có xe máy phục vụ đi lại.
Bản chưa có điện lưới quốc gia nên chất lượng cuộc sống của người dân thấp so với mặt bằng chung của xã. Chúng tôi đến bản Túc vào ngày cuối tháng 4, chứng kiến nhiều hộ trong bản đã xóa được nhà ở tạm, nhà dột nát, nhưng tình trạng trâu, bò, lợn thả rông, chuồng trại gia súc gần nhà, phân gia súc, nước thải sinh hoạt, rác... không được dọn vệ sinh. Hầu hết các hộ không có công trình vệ sinh, không có vườn rau, chăn nuôi lợn, gà số lượng nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp. Một nửa số hộ trong bản có xe máy nhưng đều là những hộ có dư nợ của ngân hàng, tuy nhiên một số hộ mua xe máy cũ trị giá 5-8 triệu đồng/chiếc.
Ông Quàng Văn Ém, Chủ tịch UBND xã Mường Đun, cho biết: Nguyên nhân đói nghèo ở bản Túc do người dân thiếu hiểu biết kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và một bộ phận chưa thực sự cần cù chịu khó vươn lên trong lao động sản xuất, trong cuộc sống, trông chờ ỷ lại chế độ, chính sách Đảng, Nhà nước.
Theo kế hoạch trong năm 2019-2020, bản Túc sẽ được đầu tư điện lưới quốc gia, hiện nay công trình thủy lợi bản Túc mới hoàn thành thành đưa vào sử dụng. Công trình sẽ đảm bảo nước tưới cho hơn 10ha ruộng gieo cấy 2 vụ lúa/năm, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất và sản lượng, có thêm thu nhập. Những thuận lợi trên là điều kiện giúp người dân chủ động phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, giảm nhanh đói nghèo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân phát huy nguồn lao động tại chỗ, tranh thủ vốn vay lãi suất ưu đãi của ngân hàng, sự đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án của Nhà nước, chủ động phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa mới là giải pháp chủ yếu mà cấp ủy, chính quyền xã Mường Đun sẽ thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.
CTV - Tiến Dũng