Hội nghị Trung ương 7: Cải cách tiền lương để tăng năng suất lao động
Hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.
Một nội dung quan trọng tác động đến hàng triệu công chức, viên chức sẽ được Hội nghị trung ương 7 khóa XII bàn bạc, thảo luận là Đề án: “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.
Mục đích lớn nhất của Đề án là tạo ra động lực mới đối với những người có năng lực, trình độ cao chuyên tâm làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước.
Thay đổi lớn nhất trong Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.
Đáng chú ý, thay vì 7 bảng lương như hiện tại, hệ thống bảng lương mới sẽ rút gọn chỉ còn 5 bảng lương, gồm: 2 bảng lương cho công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Hệ thống bảng lương mới sẽ được thay đổi đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ Nội vụ cho rằng: “Khi thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết cải cách của Trung ương thì tiền lương của cán bộ công chức sẽ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên sẽ có sự sắp xếp lại giữa các ngành nghề và đảm bảo tính ưu tiên để khuyến khích ngành nghề và sẽ tạo ra mặt bằng mới, tất cả cán bộ, công chức đều được tăng lương”.
So với lương tối thiểu vùng được Chính phủ công bố áp dụng năm 2018 thì mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Hiện với một người tốt nghiệp đại học nhân hệ số 2,34 chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng, thấp so với nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức tiền lương trên thị trường.
Việc có quá nhiều phụ cấp dẫn đến tiền phụ cấp nhiều hơn lương cơ bản và còn gây mâu thuẫn giữa các ngành nghề, so sánh giữa ngành nọ với ngành kia. Bên cạnh đó, chênh lệch thu nhập giữa những người làm công, ăn lương khá cao, còn nhiều khoản thu nhập ngoài lương và quản lý tiền lương chưa thực sự công khai, minh bạch; cơ chế kiểm soát thu nhập còn kém hiệu quả.
Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 sẽ thảo luận về thang, bậc lương mới với cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: Mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và Tiền thưởng (bằng khoảng 10% tổng quỹ lương).
Ông Nguyễn Hữu Dũng, chuyên gia nghiên cứu về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội cho rằng: “Theo tôi, phải công bố bỏ lương cơ sở. Chỉ có một công bố về tiền lương tối thiểu quốc gia, lấy mặt bằng thị trường làm cơ sở. Thứ hai là thu hẹp khoảng cách thị trường và khu vực hành chính. Tiền lương của khu vực hành chính nhà nước đặt trong mối quan hệ tương quan với thị trường”.
Một thực tế còn nhiều bất cập trong chính sách tiền lương cũng sẽ được Trung ương bàn bạc, thảo luận là việc thiết kế tiền lương theo ngạch và phụ cấp chức danh lãnh đạo. Theo quy định hiện hành, hệ thống đảng, đoàn thể được hưởng phụ cấp 30% nhưng chỉ người có chức vụ từ vụ trưởng trở xuống mới được hưởng, còn phó trưởng ban đảng (tương đương cấp thứ trưởng) trở lên lại không được hưởng, điều này dẫn đến lương của phó trưởng ban đảng thấp hơn lương vụ trưởng.
Theo ông Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chính sách này cần làm rõ mục tiêu thiết kế lại hệ thống lương, phụ cấp cho cả hệ thống chính trị như thế nào; Phân loại cán bộ công chức để thiết kế thang bảng lương phù hợp gắn với hiệu quả chất lượng công tác hàng năm của cán bộ công chức.
“Khi chúng ta phân ra các loại cán bộ công chức như thế, chúng ta sẽ có cơ sở để thiết kế được hệ thống thang lương phù hợp. Từ đó thiết kế được hệ thống phụ cấp thâm niên, hệ thống phụ cấp chức vụ, hệ thống phụ cấp nghề nghiệp thực sự hiệu quả trong việc thực thi công vụ”, ông Trần Quốc Toản nêu ý kiến.
Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này còn nhằm mục tiêu thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu. Giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương thông qua việc thương lượng, thỏa thuận với người lao động dựa trên năng suất và kết quả lao động.
Với những cải cách mang tính cách mạng, đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp gắn liền với tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy khu vực công được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong lao động, sản xuất./.
Theo Kim Thanh/VOV