Cải cách tiền lương: Lương công chức cần trả đúng, trả đủ
Tiền lương của nhóm công chức hiện nay có quá nhiều phụ cấp, đôi khi lương thì thấp, trợ cấp thì nhiều, dẫn đến méo mó trong quan hệ tiền lương.
Chính sách tiền lương là một hệ thống đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vỹ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương.
Tại Hội nghị Trung ương VII khóa XII, Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng cũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” sẽ được đưa ra bàn thảo.
Chính sách tiền lương hiện hành bộc lộ một số điểm bất cập. (Ảnh minh họa. Nguồn: KT) |
Mục đích của Đề án này nhằm tạo động lực mới với những người có năng lực, trình độ chuyên tâm làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đến nay, nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương. Nhờ đó, tiền lương khu vực công chức từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống của những người hưởng lương. Tiền lương khu vực doanh nghiệp từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Mức lương tối thiểu được luật hóa, hình thành trên cơ sở thương lượng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia với thành phần cân bằng giữa 3 bên Đại diện của người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề tiền lương trong khu vực công vẫn có nhiều vướng mắc. Cụ thể, thiết kế hệ thống thang, bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức vụ, chức danh. Tiền lương chưa phải là thu nhập chính của cán bộ công chức, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc. Có quá nhiều phụ cấp, đôi khi xảy ra trường hợp lương thì thấp, trợ cấp thì nhiều, dẫn đến sự méo mó trong quan hệ tiền lương hiện nay.
Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương của người lao động chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của người lao động. Tiền lương chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mức lương tối thiểu có độ bao phủ còn hẹp. Các can thiệp hành chính không hợp lý đã hạn chế cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động là cơ chế phổ biến trong nền kinh tế thị trường.
Những hạn chế bất cập đó có nguyên nhân như nội lực của nền kinh tế còn yếu, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tích lũy còn ít, nguồn lực hạn chế,... Tư duy về chính sách còn chưa theo kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, số lượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước quá lớn và ngày một tăng. Đối với khu vực doanh nghiệp, năng lực thương lượng và thỏa thuận về tiền lương của tổ chức công đoàn còn hạn chế.
Ông Diệp cho rằng tất cả những hạn chế, yếu kém trên đây làm cho việc cải cách chính sách tiền lương cả khu vực công và khu vực doanh nghiệp trở nên hết sức cần thiết.
“Dự thảo về cải cách tiền lương lần này có thiết kế bảng lương về chức vụ và bảng lương về chuyên môn nghiệp vụ, dựa trên đánh giá trình độ, hiệu quả công việc, tránh trường hợp nhiều khi lãnh đạo lại có mức lương thấp hơn thấp hơn người được lãnh đạo; khuyến khích công chức trau dồi chuyên môn, phấn đấu đạt được các chức vụ lãnh đạo. Đương nhiên quá trình thực hiện phải có sự đánh giá. Trong khu vực công, quỹ tiền lương sẽ được thiết kế gồm 3 phần, gồm phần để trả lương cơ bản, chiếm khoảng 70%, phụ cấp chiếm 30%. Thiết kế hệ thống tiền lương lần này cũng sẽ dành một khoản tiền thưởng tối đa bằng 10% quỹ lương cơ bản năm. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền sử dụng kinh phí chi thường xuyên để sử dụng, tuyển dụng nhân tài”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin.
Để thực hiện thành công cải cách về chính sách tiền lương, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cần sự quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và xã hội. Việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương cần được thực hiện đồng bộ với quá trình đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh giản, hiệu quả.
Không thể coi lương chỉ là chi phí
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng: “Nếu coi tiền lương là sự hoàn trả cho một sự đầu tư, thì chi phí sử dụng lao động không chỉ là chi phí mà còn là sự đầu tư”. Do đó, hệ thống tiền lương phải đảm bảo trả đúng, trả đủ. Khu vực Nhà nước là nơi có nguồn nhân lực chất lượng cao, phải xác định tiền lương phải đủ. Ngoài ra, cần thay đổi cả về cơ chế trả lương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, cần có những nguyên tắc xây dựng lương, phụ cấp để làm khung chung cho cả hệ thống, tránh sự vênh váo, bất cập.
Chính sách tiền lương này cần làm rõ mục tiêu thiết kế lại hệ thống bảng lương, phụ cấp cho cả hệ thống chính trị, phân loại cán bộ công chức để thiết kế thang bảng lương phù hợp, gắn với hiệu quả chất lượng công tác hàng năm của cán bộ công chức.
“Trong hệ thống chính trị cần phân biệt rõ loại cán bộ công chức, để từ đó, thiết kế các hệ thống thang bảng lương trợ cấp cho phù hợp. Nhóm 1 là lãnh đạo quản lý các cấp, nên có phụ cấp riêng. Nhóm 2 là chuyên gia tư vấn chính sách, gắn với cán bộ quản lý. Hiện nay, chúng ta chưa tách bạch, trong khi các nước trên thế giới đều hết sức quan trọng đội ngũ này. Nếu không làm như vậy, sẽ mãi xảy ra tình trạng chạy theo chức tước mà không có được đội ngũ chuyên gia giỏi để làm công tác tham mưu, tư vấn. Nhóm 3 là thực thi công vụ trong lĩnh vực hành chính. Nhóm 4 phục vụ công việc điều hành. Khi phân loại sẽ có cơ sở để thiết kế thang lương phù hợp, hệ thống phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề nghiệp. Nếu được như các nước tiên tiến, phụ cấp sẽ là những phần gắn với hiệu quả năng suất hàng năm của công chức, từ đó tạo ra cho hệ thống sự năng động hiệu quả trong thực thi công vụ”, ông Toản phân tích.
Bên cạnh khối Nhà nước, đề án cải cách chính sách tiền lương lần này còn nhằm mục tiêu thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu. Giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Đề án cải cách tiền lương lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong lao động, sản xuất./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.