Lần đầu tiên biểu dương 48 doanh nhân là người khuyết tật

Thứ Hai, 16/04/2018, 16:22 [GMT+7]

48 doanh nhân là người khuyết tật được biểu dương đều là tấm gương vượt khó đi lên, thành lập và phát triển doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
 
Kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4), sáng nay (16/4) tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức hội nghị “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật”, nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương người khuyết tật tiêu biểu vươn lên, đạt thành tích xuất sắc trong lao động, kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

48 người khuyết tật tham gia chương trình là 48 câu chuyện khác nhau kể về quá trình vượt khó đi lên, thành lập và phát triển doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Dù hoàn cảnh, điều kiện, tình trạng khuyết tật khác nhau, trong số đó có những người chưa một ngày đến trường, nhưng đều có chung ý chí, nghị lực bứt phá, vượt qua khó khăn, làm được nhiều việc mà người bình thường chưa làm được.
 

1
Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu Khai mạc Chương trình. (Ảnh: Thanhnien Viet)


Một trong những doanh nhân người khuyết tật thành công trong kinh doanh là anh Nguyễn Quốc Toàn, tỉnh Phú Thọ. Anh bị Toàn liệt toàn thân, chỉ có 2 ngón tay còn cử động, nhưng đã thành lập Công ty TNHH NQT, đưa công nghệ thông tin đến với quê hương mình.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay công ty đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Công ty đã thi công nhiều công trình trọng điểm, doanh thu hàng năm đạt từ 6 - 8 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Quốc Toàn chia sẻ, trong cuộc sống, chỉ có người khuyết tật chứ không có doanh nghiệp khuyết tật, sản phẩm của người khuyết tật làm ra khẳng định điều đó. Vì vậy, người khuyết tật mong nhận được sự hỗ trợ chứ không phải sự bảo trợ.

“Những người khuyết tật điều khiển doanh nghiệp là điều bình thường. Doanh nghiệp hoạt động, làm việc và đóng thuế như tất cả các doanh nghiệp khác. Một trong những khó khăn của doanh nghiệp nhở vừa gặp phải là các cơ quan, tổ chức như tài chính, ngân hàng thường đánh giá rủi ro khi nhìn vào bản thân chúng tôi mà họ không nhìn vào tiềm lực doanh nghiệp, các cơ hội, khả năng nghề nghiệp của chúng tôi”, ông Toàn chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, những doanh nhân là người khuyết tật không chấp nhận số phận, có nghị lực vươn lên mãnh liệt, có tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, cũng như quyết tâm theo đuổi đam mê.

Những doanh nhân là người khuyết tật không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu chính đáng, tạo được thương hiệu cho doanh nghiệp, xây dựng sự nghiệp cho bản thân và tạo việc làm cho người đồng cảnh và nhiều người bình thường khác. Dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng tinh thần, nghị lực luôn là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.

Trong chính sách, pháp luật về người khuyết tật có nói đến vấn đề tạo việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp là người khuyết tật, nhưng chưa có một cách đầy đủ nhất để khuyến khích họ đứng ra thành lập doanh nghiệp.

“Người khuyết tật trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Qua cuộc hội ngộ hôm nay, những người khuyết tật sẽ nói lên những mong muốn để làm sao có thể lập nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Qua đó, Đảng, Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách sẽ nghiên cứu có cơ chế, chính sách để làm sao giúp đỡ cho người khuyết tật có thể vươn lên tự lập nghiệp, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội”./.

 

 

Theo VOV

.