Điện Biên: Bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Sáu, 06/04/2018, 10:11 [GMT+7]
Điện Biên TV - Ngày 6/4, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức Họp bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và vốn đầu tư trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
 
 
s
Đ/c Lê Thành Đô -  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi Họp bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và vốn đầu tư trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

 

 
Tại buổi họp đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc về chính sách và vốn đầu tư trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
 
Khó khăn về chính sách hỗ trợ
 
Theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, diện tích thực hiện bảo vệ hoặc phát triển rừng các hộ gia đình, cộng đồng dân cư phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được giao đất lâm nghiệp chưa có rừng do đó các hộ gia đình, cộng đồng dân cư chưa đủ điều kiện được hưởng chính sách; cũng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP quy định hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo, cộng đồng dân cư thôn đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực 2 và 3) thực hiện bảo vệ và phát triển rừng trên diện đất, rừng được giao tuy nhiên các đối tượng trên khi nhận khoán trồng rừng phòng hộ từ các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng không được hưởng chính sách theo mức hỗ trợ tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg là 30 triệu đồng/ha/4 năm. Điều này dẫn đến khó khăn cho việc triển khai thực hiện trồng rừng trên diện tích đất được giao của các Ban quản lý rừng phòng hộ; Thực hiện thông tư số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 24/4/2008 của liện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tài chính hưỡng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy. Khi Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, trong Nghị định quy định chỉ các hộ nghèo mới được trợ cấp gạo và không quy định chuyển tiếp, do vậy trên địa bàn tỉnh còn 185 hộ không thuộc diện nghèo đang được hưởng theo Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC nhưng chưa đủ thời gian 7 năm không được tiếp tục trợ cấp gạo.
 
Khó khăn về vốn
 
Kinh phí thực hiện chỉ tiêu trồng mới rừng phòng hộ tập trung, trồng cây phân tán và nguồn vốn đối ứng để chi phí quản lý thực hiện hạng mục khoanh nuôi tái sinh rừng, chi phí lập hồ sơ giao khoán lần đầu và trồng cây phân tán đầu tỉnh chưa bố trí, nên chưa có cơ sở triển khai; Thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 34/TB-UBND ngày 18/8/2016 của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh sau khi thực hiện rà soát điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng sẽ phải rà soát lại và xây dựng mới 15 dự án. Tuy nhiên, năm 2017 chưa thực hiện xong việc rà soát loại quy hoạch 3 loại rừng nên chưa thực hiện được việc rà soát, xây dựng mới các dự án bảo vệ và phát triển rừng.
 
Tại buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và vốn đầu tư trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh một số đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt các chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015 – 2020, trong đó tập trung khắc phục một số hạn chế thời gian qua như: Tính khả thi của quy hoạch và thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, kế hoạch trồng rừng hàng năm đối với các huyện, thị, thành phố chưa cao; chính sách và kinh phí hỗ trợ người dân triển khai chậm dẫn đến người dân không mặn mà tham gia các chương trình bảo vệ và phát triển rừng; chất lượng cây giống chưa đảm bảo…./.
 
 
 
 
  
 
Tử Long
.