Đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm biên chế
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 20/4, nhiều đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm biên chế.
Ngày 20/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về công tác quản lý và sử dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ.
Theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, một mục tiêu cụ thể được đặt ra cho giai đoạn đến năm 2021 là giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015; cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Đồng thời phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp |
Tại cuộc họp, đại diện các bộ tham dự cho rằng cần đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập bởi đây sẽ là hướng đi tốt, giúp giảm số lượng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Đồng thời, việc tự chủ cũng giúp cho các trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu khoa học chủ động thậm chí tăng cường tuyển dụng cũng như đãi ngộ người lao động. Điều này là tiên quyết giúp bảo đảm và nâng cao hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quyền được học một cách thuận lợi cho trẻ em, quyền được khám chữa bệnh của người dân cũng như nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, một trong những quyền cơ bản của trẻ em là được đi học một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí mà ngành giáo dục đang phấn đấu là tiến tới học sinh học cả ngày, lớp học không quá đông. Chưa kể, ở vùng sâu, vùng xa, phải bảo đảm cho học sinh được tới trường thuận lợi bởi các em không thể đi quá xa để học được. Hơn nữa, theo tinh thần Nghị quyết là phải giảm, nhưng không thể đem giáo viên dạy môn nọ đi dạy môn kia, cấp này dạy cấp khác khi chưa đào tạo lại hay chuyển ngay giáo viên từ nơi này đi nơi khác.
Từ những vấn đề như vậy, theo ông Hùng, cần thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình bằng cách đẩy mạnh tự chủ. Có thể giảm mạnh biên chế gián tiếp trong các trường bằng cách để một người đảm nhiệm nhiều việc hay phối hợp với các trạm xá, bệnh viện trong lĩnh vực y tế học đường mà không cần một người chuyên làm việc này trong trường học. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tự chủ tại khối các trường đại học, cao đẳng. Khi các trường tự chủ được, tổng lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sẽ giảm xuống trong khi vẫn có thể tuyển dụng ở những nơi cần, nơi thiếu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Biên chế gián tiếp phải giảm quyết liệt còn giáo viên giảng dạy phải đủ theo số môn theo lớp.
Liên quan tới lĩnh vực giáo dục, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết sẽ thực hiện được việc giảm biên chế ở khối giáo dục nghề nghiệp. Giải pháp chủ yếu mà Tổng cục đang tham mưu cho Bộ là thực hiện dạy kết hợp giữa thực hành và lý thuyết chứ không tách rời như trước. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đang đẩy mạnh tự chủ, giảm bớt một số đầu mối như mỗi tỉnh chỉ còn một đơn vị giáo dục nghề nghiệp công lập.
Đối với lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phân tích, do dân số tăng lên trong khi yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, nhu cầu nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực y tế vẫn rất lớn. Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, giải pháp của ngành y tế là khuyến khích tự chủ, sắp xếp lại bộ máy để cắt giảm nhân sự hành chính, tăng nhân lực làm chuyên môn.
Bên cạnh đó, trong mỗi bệnh viện, có những công việc hoàn toàn có thể thuê ngoài như bảo vệ, hấp sấy, vệ sinh, lái xe… Có những bộ phận, trung tâm có thể thực hiện tự chủ thì không tính vào tổng lượng biên chế. Như vậy sẽ dôi ra nhiều biên chế để tuyển dụng cho những nơi thiếu như vùng sâu, vùng xa, cho những lĩnh vực chưa thể tự chủ. Với việc đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định rằng sẽ có nhiều hơn nữa đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách trong khi vẫn tăng cường đội ngũ làm chuyên môn, nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh.
Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trên thực tế, so với hai ngành giáo dục và y tế, số lượng cán bộ của hai viện là không nhiều. Tuy nhiên, đại diện hai viện cũng khẳng định sẽ thực hiện chủ trương giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thông qua việc đẩy mạnh tự chủ ở một số đơn vị, giảm đầu mối hành chính, số lượng người làm gián tiếp. Từ đó có thể tăng cường thu hút cán bộ trẻ, cán bộ giỏi làm công tác nghiên cứu khoa học, bảo đảm “chỗ cần thì vẫn tuyển được còn chỗ không cần thì phải giảm”.
Đại diện Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết cần phải hiểu chính xác là theo Nghị quyết 19-NQ/TW, trên cơ sở mạng lưới hiện nay sắp xếp lại, giảm ở đây là đưa ra tự chủ không hưởng ngân sách nữa. Như vậy, có thể số đơn vị tự chủ cộng lại nhiều hơn số cũ chuyển ra, kể cả số lượng người làm việc trong danh sách trả lương của đơn vị, ví dụ chuyển 100 biên chế ra, tự chủ được thì hoàn toàn có quyền tuyển thêm 200, 300 người.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đối với công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ.
Theo Nghị quyết 19-NQ/TW, quan điểm là phải giảm. Nhưng như đại diện các bộ đã phân tích, giảm là giảm tổng thể đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Song song với đó là đẩy mạnh tự chủ, để các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động trong việc tuyển dụng. Giảm đối tượng hưởng lương từ ngân sách ở nhiều nơi để từ đó vẫn có thể tuyển dụng thêm để bảo đảm các quyền được đi học của trẻ em và khám chữa bệnh của người dân. Lộ trình là kiên quyết đẩy mạnh tự chủ các bệnh viện, trường đại học theo đúng tinh thần Nghị quyết. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ sớm xây dựng lộ trình, báo cáo trình Chính phủ./.
Theo Hà Trần/VOV.VN