Các nhà mạng nói gì khi yêu cầu khách hàng bổ sung ảnh chân dung?
Đại diện Viettel cho biết, việc khóa 1 chiều gọi đi nếu khách hàng không đăng ký lại trước ngày 24/4 là không đúng.
Từ ngày 6/4 đến nay, nhiều người dùng mạng Viettel cho biết đã nhận được thông báo từ nhà mạng này về việc bổ sung ảnh chân dung và đăng ký thông tin thuê bao lại nếu thông tin không đúng. Thông báo này ghi rõ, việc đăng ký thông tin thuê bao cần phải chính xác theo đúng Nghị định 49 của Chính phủ. Tức trước ngày 24/4, thông tin cá nhân buộc phải cập nhật đúng quy định.
Tuy nhiên, theo báo Dân trí, một số người dùng khác cho biết, đến nay họ vẫn chưa nhận được thông báo từ Viettel và nghe đâu trên mạng đang râm ran việc sẽ khóa một chiều sau ngày 24/4/2018 nếu không đăng ký lại.
Khách hàng chụp ảnh lưu thông tin cá nhân tại cửa hàng Viettel chiều 6/4 |
Đại diện Viettel cho biết, hiện tại nhà mạng này đã gửi tin nhắn thông báo đến các khách hàng và chia theo đợt gửi. Do đó, sẽ có khách hàng nhận được và khách hàng chưa nhận. Tuy nhiên, việc khóa 1 chiều gọi đi nếu không đăng ký lại trước ngày 24/4 là không đúng. Viettel cho hay đang thực hiện đúng quy định của Bộ TT&TT hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.
Đồng thời, việc sau ngày 24/4/2018 sẽ chờ thêm hướng dẫn của Bộ và thực hiện đúng quy định.
Đại diện nhà mạng này cũng cho biết, trong thời gian qua, Viettel cũng đã tiến hành thông báo bằng tin nhắn, gọi điện đến khách hàng để thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu đúng theo Nghị định 49. Viettel cũng thực hiện việc đăng ký tại nhà đối với những trường hợp khách hàng không thể đến các quầy giao dịch. Ngoài ra, Viettel cũng áp dụng việc đăng ký lại thông tin thông qua ứng dụng My Viettel để người dùng thuận tiện trong việc bổ sung nếu thiếu.
Ngoài Viettel, các nhà mạng khác hiện vẫn chưa có bất cứ động thái nào trong việc thông báo đến khách hàng bằng tin nhắn hoặc điện thoại về việc giao kết hợp đồng theo mẫu.
Tuy nhiên, trao đổi với MobiFone, đại diện nhà mạng này cho biết, hiện tại đang triển khai gấp rút việc rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu đúng quy định mà Bộ TT&TT đề ra.
Trước yêu cầu của nhà mạng, theo báo Pháp luật TP HCM, nhiều người dùng cho rằng việc nộp ảnh chân dung là không cần thiết và gây phiền cho họ.
“Ảnh chân dung để làm gì? Mẹ tôi đã lớn tuổi, đi ra cửa hàng bất tiện còn cho người lạ đến nhà chụp ảnh khi không có ai ở nhà lại nguy hiểm, lỡ có người nhân dịp này mạo danh thì sao?” - anh Văn Hùng (tỉnh Bình Dương) thắc mắc.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn Quỳnh Anh (quận 1) cũng bày tỏ sự khó chịu: “Các nước không đòi hỏi điều này, sao chúng ta cứ vẽ vời? Ảnh chân dung này có giá trị bao lâu, nếu 5 năm sau khuôn mặt tôi thay đổi thì có cần đi chụp lại không?”. “Đó là chưa kể khả năng bảo mật thông tin khách hàng của chúng ta còn hạn chế. Nhà mạng giữ càng nhiều thông tin thì tôi càng lo thôi” - bạn Thanh Bình (quận Tân Bình) bày tỏ.
Trước đó, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4/2017. Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này.
Theo khoản 5, Điều 15, thông tin thuê bao gồm số thuê bao, thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam).
Đối với tổ chức, thông tin trên giấy tờ của tổ chức, bao gồm: tên tổ chức; địa chỉ trụ sở giao dịch; thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho cá nhân đó sử dụng (trường hợp tổ chức giao cho người sử dụng).
Thông tin đăng kí còn có thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước).
Nghị định 49 của Chính phủ cũng quy định rõ, nếu giả mạo và sử dụng giấy tờ cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng thuê bao SIM sẽ bị phạt từ 200 đến 500 ngàn đồng. Đối với người dùng chuyển quyền sở hữu SIM mà không đăng kí lại thuê bao cũng bị phạt tương tự./.
Theo VOV