Vì sao 94 hồ sơ ứng viên GS, PGS có thể lọt qua 3 vòng kiểm duyệt?
94 hồ sơ ứng viên “có phản ánh” chưa đủ tiêu chuẩn cũng cho thấy, các hội đồng làm việc chưa nghiêm túc, chưa xem xét thấu đáo hồ sơ của các ứng viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát hồ sơ ứng viên đạt điều kiện được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Trong tổng số 1.226 hồ sơ đủ điều kiện được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư mà Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đã công bố trước đó, sau khi rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 94 ứng viên “có phản ánh” chưa đủ các tiêu chuẩn đề ra và Hội đồng đang tạm để lại hồ sơ để tiếp tục rà soát, đánh giá.
94 ứng viên “có phản ánh” về hồ sơ chưa đủ điều kiện xét chức danh giáo sư, phó giáo sư như: chưa đủ đề tài, bài báo khoa học, giờ giảng, nghiên cứu khoa học... đã được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước tạm gác lại để tiếp tục xem xét.
Trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS trẻ nhất năm 2016. |
Nói về kết quả rà soát của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạm để lại một số hồ sơ giáo sư, phó giáo sư ở tất cả các ngành để tiếp tục xem xét thể hiện tinh thần cầu thị trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Tiến sỹ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Tôi cho rằng đây là cách làm thận trọng, nghiêm túc của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước. Việc để lại để xem xét khi hồ sơ có vấn đề, hoặc có thể bị khiếu kiện. Tôi cho đây là sự làm việc khá nghiêm túc của Hội đồng. Hội đồng làm sao để lấy được lòng tin của xã hội là rất quan trọng".
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, 94 hồ sơ ứng viên “có phản ánh” chưa đủ tiêu chuẩn cũng cho thấy, các Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng ngành và cả Hội đồng cấp Nhà nước làm việc chưa nghiêm túc, chưa xem xét thấu đáo hồ sơ của các ứng viên. Vì sao tất cả hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo sư đều qua 3 vòng xét duyệt, với nhiều lần bỏ phiếu mà khi rà soát lại vẫn phát hiện hồ sơ “có vấn đề”.
Nếu Thủ tướng Chính phủ không yêu cầu rà soát lại, có thể những ứng viên không đủ tiêu chuẩn này vẫn được thông qua, thì sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, quy trình xét duyệt, bỏ phiếu chưa thực sự chặt chẽ, tính trách nhiệm của các lá phiếu bầu chưa cao.
"Trách nhiệm của người bỏ phiếu tôi cho là vẫn mang tính chất cá nhân. Giá như cái phiếu đó phải ghi tên vào, mặc dù không cho ai biết nhưng mà ông Chủ tịch phải biết được phiếu trắng hay là phiếu tán thành, hay là phiếu phản đối là của ai, thì tôi cho là sẽ có trách nhiệm. Chứ còn có những người mà tôi thấy đúng là hồ sơ của người ta rất tốt, nhưng người ta lại bị thiệt thòi, có thể người ta có ý kiến này, có ý kiến khác mà hội đồng hay một vài người người ta thống nhất với nhau người ta thống nhất không thích bỏ cho ông ấy thì vẫn trượt"- Giáo sư Vũ Văn Hóa nói.
Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến nghi ngờ tính khách quan, minh bạch kết quả rà soát của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước. Bởi lẽ, chính Hội đồng này đã công nhận đủ điều kiện chức danh giáo sư, phó giáo sư, thì khi rà soát liệu có dám phủ nhận kết quả do chính mình đã tạo ra trước đó, nên có nguy cơ còn bỏ lọt ứng viên không đạt tiêu chuẩn. Bởi vậy, cần có một đội ngũ phản biện khác độc lập để rà soát lại hồ sơ của các ứng viên.
Từ việc Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước phải rà soát lại việc công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017, một số chuyên gia đề xuất xây dựng lại quy trình và bộ tiêu chí xét duyệt hồ sơ của các ứng viên. Chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ nên dành cho những người giảng dạy, nghiên cứu, chứ không dành cho cán bộ quản lý.
Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để tránh tình trạng bỏ lọt những ứng viên không đạt chuẩn thì việc thẩm định hồ sơ cần được thực hiện nghiêm túc hơn và quy trách nhiệm cho các thành viên Hội đồng nếu để xảy ra sai sót.
"Giải pháp là có một Hội đồng nghiêm túc, đúng trình độ và thực thi một cách hết sức chặt chẽ về những tiêu chí sau khi tiêu chí đã được xác định lại. Theo tôi thẩm định hồ sơ phải kỹ hơn nữa, phải tạo điều kiện cho người thẩm định hồ sơ kỹ hơn. Vì đưa ra một vị nào đấy để phong chức danh thì sẽ có 2 tập hồ sơ rất dày. Người đọc phải đọc hết, thì tôi sợ đọc không hết, mà đọc không hết thì bỏ sót. Có người đưa ra 40 quyển sách cũng chưa chắc là ông thầy giỏi vì viết ở lĩnh vực khác, chưa chắc viết ở lĩnh vực ấy. Cho nên người đọc phải có trách nhiệm"- GS Phạm Tất Dong cho biết.
Xã hội cũng kỳ vọng các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước làm việc công tâm, khách quan, có trách nhiệm để công nhận chức danh cho những người đạt tiêu chuẩn thực sự; đồng thời không để lọt những ứng viên không đạt chuẩn, gây mất lòng tin của xã hội đối với đội ngũ được coi là tinh hoa trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học của đất nước./.
Theo VOV.VN