Thưởng tết: Vẫn chuyện "kẻ cười người khóc"
Bên cạnh thưởng tết “tiền khủng” thì không ít người lao động chẳng có một đồng thưởng tết nào, thậm chí phải nhận sản phẩm thuốc trừ sâu, phân bón.
Con số báo chí công bố mức thưởng tết năm nay cao nhất là trên 850 triệu đồng, thuộc về 1 doanh nghiệp dân doanh tại TP. HCM. Con số này có lẽ làm không ít người lao động chạnh lòng.
Vẫn biết, công ty, doanh nghiệp làm ăn tốt có quyền thưởng người lao động, người làm việc hiệu quả, có đóng góp lớn cho đơn vị số tiền thưởng xứng đáng. Điều đó rất hoan nghênh và thật đáng mừng.
Bên cạnh việc thưởng tết “tiền khủng” gần cả tỷ đồng như nêu trên thì không ít người lao động chẳng có một đồng thưởng tết nào, hay chăng chỉ là túi quà tượng trưng, thậm chí khi đơn vị, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thì tiền thưởng tết cho công nhân phải quy ra thành sản phẩm của doanh nghiệp như mũ, quần áo, giầy dép, thậm chí là...phân bón, thuốc trừ sâu (?!)
Số liệu thống kê cho thấy, mức thưởng tết năm nay chạm đáy là 20.000đ. Việc chênh lệch tiền thưởng tết giữa các doanh nghiệp là chuyện tất yếu. Hiện tại, Luật Lao động hiện hành không quy định doanh nghiệp phải có tiền thưởng Tết cho người lao động. Việc thưởng Tết ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của chủ doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị và thỏa thuận giữa hai bên. Do vậy, tình trạng nơi thưởng Tết cao ngất ngưởng, lại có chỗ thưởng Tết không bằng bữa quà sáng thì người lao động cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà âm thầm chấp nhận.
Đành rằng, khi doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ do những nguyên nhân khách quan, người lao động cũng cần phải chia sẻ khó khăn với chủ doanh nghiệp. Điều đó không bàn. Những điều đáng nói là có một số đơn vị, doanh nghiệp lãng phí chi tiêu. Trong khi tiền thưởng cho người lao động không có, nhưng cán bộ lãnh dạo “cả giàn” vẫn ăn chơi, tiếp khách, ngoại giao hoành tráng, rồi chi phí điện, nước, văn phòng phẩm không tiết kiệm... thì lại khó có thể chấp nhận.
Nhân chuyện Ban Tổ chức Trung ương treo biển “không tiếp khách đến chúc Tết” lại ngẫm thêm về “vấn nạn quà Tết” ở ta. Đây là thói quen khó bỏ, thậm chí nhiều người còn mượn danh là “văn hóa” để lấp liếm cho chuyện “biếu, xén” này.
Chưa nói đến những khía cạnh khác mà chỉ nói về chuyện chi tiêu của đơn vị cũng thấy cần xem lại. Chi tiêu “đối ngoại” kiểu này dường như ở ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp nào cũng có, nào là quà ngày lễ, ngày tết, quà sinh nhật cấp trên, thậm chí cả quà sinh nhật cho cả vợ, con sếp...
Đơn vị làm ăn khấm khá, có tiền thì không sao, đơn vị không có cũng “cố đấm ăn xôi” cho bằng anh, bằng em, để “điểm danh” quà cáp, biếu xén cho đủ, trong khi tiền thưởng tết cho người lao động lại bị bỏ lơ thì thật là đáng trách.
Chuyện thưởng tết là bức tranh sáng tối ở đơn vị này đơn vị kia có thể khác nhau nhưng tựu chung, nếu mỗi “ông chủ” doanh nghiệp, đơn vị biết nghĩ tới người lao động, chăm lo cho người làm việc thì ngay từ đầu năm, ngoài việc bàn cách tìm ra phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, cũng phải nghĩ đến việc xiết chặt chi tiêu, ngoại giao, tiếp khách, tiết kiệm trong tiêu dùng... để cuối năm cân đối tài chính, có chút thưởng tết phù hợp cho người lao động.
Với quan niệm "đói quanh năm, no ba ngày Tết", người Việt nói chung và người lao động nói riêng luôn mong ngóng có một khoản tiền thưởng Tết kha khá để có thể tích lũy hoặc mua sắm những vật dụng có giá trị cho gia đình, người thân, hay chỉ đơn giản là có một cái tết no ấm hơn.
Do vậy, thưởng tết mặc dù không nằm trong quy định bắt buộc nhưng lại là mong muốn và quyền lợi “bất thành văn” của người lao động sau một năm lao động vất vả./.
Theo VOV